NHỮNG THÁCH THỨC TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

30/03/2018

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội, sáng 30/03, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những thách thức trong quá trình thực hiện”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông-Vận tải, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những thách thức trong quá trình thực hiện của Đoàn giám sát của Quốc hội

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm về sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước với nhiều văn kiện quy định cơ chế chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2011, tại Hội nghị Trung ương 3 Khóa IX, Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện đã có những kết quả ban đầu nhưng vẫn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém. Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa qua, Trung ương ban hành Nghị quyết 05 về tiếp tục sắp xếp lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng thì Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Quá trình triển khai thực hiện thời gian qua có những dấu hiệu tích cực tuy nhiên vẫn còn những mặt như quy trình triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, định giá thương hiệu, giá trị doanh nghiệp, giải quyết chế độ cho người lao động… cần được xem xét, đánh giá thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Vì vậy, trong quá trình giám sát, bên cạnh việc tổ chức các đoàn công tác, khảo sát thực tế thì Đoàn giám sát cũng tổ chức hội thảo để có thêm thông tin từ phía các chuyên gia đánh giá hiệu quả của ban hành chính sách về thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tổ chức thực hiện cũng như đề xuất các kiến nghị giải pháp nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới.

Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và thảo luận về các vấn đề: tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020, những điểm mới của cơ chế cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; những vướng mắc, bất cập trong quá trình cổ phần hóa và đề xuất, kiến nghị trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó các nội dung cụ thể như định giá quyền sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa; vai trò và tính hiệu quả của hoạt động thanh tra đối với quá trình cổ phần hóa; vai trò và tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 cũng được các đại biểu quan tâm, trao đổi thảo luận.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến phát biểu tại hội thảo

Trình bày tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn đoạn 2011-2016, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho biết, giai đoạn 2011-2016, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và có nhiều đổi mới nhằm tháo gỡ vướng mặc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.

Qua đó, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng được cổ phần hóa. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Việc cổ phần hóa gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (bên phải) điều hành thảo luận 

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn ở một số doanh nghiệp chưa đạt tiến độ. Tỷ lệ vốn được cổ phần hóa và bán ra ngoài xã hội còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đã đề ra. Việc quản lý sử dụng đất đai của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn bất cập. Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đầy đủ và có hiệu quả.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình cổ phần hóa giai đoạn 2011-2016, kết quả thực hiện năm 2017, các đại biểu cho rằng giai đoạn 2018-2020 cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật và cơ chế thị trường trong cổ phần hóa, thoái vốn không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần nghị quyết của Đảng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Trần Quang Chiểu trao đổi tại hội thảo

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua ý kiến tham luận và trao đổi cho thấy thực hiện cổ phần hóa có những tích cực về mặt quy trình thủ tục, bảo đảm quá trình thực thi. Sau quá trình ấy hoạt động của các doanh nghiệp ổn định và có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh các mặt tích cực thì còn nhiều tồn tại hạn chế như về tiền độ thực hiện còn chậm, tỷ lệ bán cổ phần không đạt mục tiêu, chậm triển khai, chậm công khai minh bạch, việc xác định giá trị sử dụng đất của doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Ghi nhận các kiến nghi, đề xuất của các đại biểu tại hội thảo về việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng và ban hành luật về cổ phần hóa, sửa đổi chương về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp, sớm có thông tư hướng dẫn nghị định 126/2017/NĐ-CP cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiểu quả tổ chức thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các ý kiến sẽ được nghiên cứu để thể hiện trong báo cáo của Đoàn Giám sát, sớm trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bảo Yến