Vượt qua khó khăn, thách thức, dành thắng lợi trên con đường hội nhập

17/01/2016

Chiều 17/1, tại Hà Nội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Trung tâm đào tạo, tư vấn và thông tin kinh tế (CETAI) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Chương trình chào xuân 2016: “Những bước chân hội nhập”. Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, TS. Mai Xuân Hùng cùng dự Chương trình.

Chương trình còn có sự tham gia của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết; Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân cùng đông đảo các nhà quản lý, các doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, PGS. TS. Đặng Văn Thanh cho biết, trong những năm gần đây, việc hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế nước ta nói chung và cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nhất là sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó, việc thông tin về các cam kết kinh tế quốc tế mà nước ta ký kết là vô cùng cần thiết.

Trong bối cảnh đó, Chương trình “Những bước chân hội nhập” là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ thời cơ, thách thức; là diễn đàn mở để bày tỏ ý kiến, giải đáp thắc mắc từ đó góp phần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong thời gian tới.

Bày tỏ vui mừng, phấn khởi đến tham dự Chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, việc hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương đúng đắn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, nhà nước từ năm 1945 đến nay. Điều 50, Hiến pháp 2013 khẳng định nước ta “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Cương lĩnh của Đảng cũng khẳng định việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước…”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc tham gia vào TPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của nước ta. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp, doanh nhân với bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, dành được thắng lợi mới trên con đường hội nhập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Đảng, nhà nước sẽ tiếp tục có các chủ trương, chính sách nhằm phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian sắp tới; Quốc hội sẽ chuẩn bị rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện của Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do khác; tiếp tục tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm vừa bảo đảm khung pháp lý cho quá trình hội nhập, vừa có tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta.

Tại Chương trình, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã cùng nhau chia sẻ, bày tỏ quan điểm về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong thời gian qua. Các đại biểu cho rằng, năm 2016 thực sự là “năm hội nhập” đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nước ta. Hội nhập luôn mang đến nhiều cơ hội cũng như những thách thức, khó khăn. Gắn liền với đó là những được và mất cho các nước, các thành phần tham gia vào quá trình này. Đồng thời, phúc lợi của những bên không trực tiếp tham gia và quá trình hội nhập cũng chịu những tác động gián tiếp mà quá trình hội nhập mang lại thông qua những thay đổi trong một loạt các khía cạnh như tăng trưởng, thương mại, giá cả, lao động….

Các đại biểu cho rằng, việc tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP hay các Hiệp định thương mại tự do khác sẽ đem lại cơ hội cạnh tranh bình đẳng, tăng sản xuất, mở rộng thị trường, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả nước, mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam….Cùng với đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang lại nhiều khó khăn, thách thức như sức ép cạnh tranh từ hàng hoá các nước với việc gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu giá thành rẻ, chất lượng và mẫu mã đa dạng hay các thách thức về dịch vụ, về lao động, về quản lý dòng vốn…

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, TS. Mai Xuân Hùng nhấn mạnh, Chương trình “Những bước chân hội nhập” là dịp để các doanh nghiệp, doanh nhân hiểu rõ hơn về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hiểu rõ hơn về các Hiệp định thương mại tự do, các Cộng đồng kinh tế mà nước ta là thành viên. Đồng thời cũng là dịp để các cơ quan hữu quan lắng nghe và tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân qua đó góp phần hỗ trợ tốt hơn cho họ vững bước, thắng lợi trong kỷ nguyên hội nhập phát triển của nước ta thời gian tới.

Tin và ảnh: Quang Minh

Các bài viết khác