UỶ BAN KINH TẾ TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 9

25/04/2019

Ngày 25 - 26/4, tại Tp. Nha Trang, Khánh Hoà, Uỷ ban Kinh tế tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9 đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT – XH năm 2019. Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Dương Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Bảo; các thành viên UB Kinh tế; đại diện một số Uỷ ban của QH; lãnh đạo Bộ Công thương; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Uỷ ban Dân tộc; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả trọng tâm trong quá trình thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT – XH năm 2019. Do đó, các đại biểu tham dự phiên họp cần tập trung nghiên cứu sâu điểm mạnh, yếu của từng lĩnh vực để đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể triển khai thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2019 đạt hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh Phát biểu khai mạc phiên họp

Thừa uỷ quyền của Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT – XH năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT – XH năm 2019, Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, năm 2018, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp với những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và còn những hạn chế, bất cập trong nội tại.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình phát triển KT – XH năm 2018 được đánh giá đạt kết quả toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu QH giao với 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Về kinh tế vĩ mô thì lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, vượt mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá cơ bản diễn biến sát với định hướng đề ra, thanh khoản thị trường tốt, dự trữ ngoại hối tăng. Thu ngân sách vượt dự toán 8%, chi ngân sách được đảm bảo. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,2%; huy động vốn đạt 33,5%, đạt mục tiêu QH giao; bội chi, nợ công được đảm bảo; GDP bình quân đầu người tăng lên 2.590 USD, tăng thêm khoảng 201,6 USD/người so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đạt trên 480 tỷ USD, tăng hơn 52 tỷ USD so với năm 2017, vượt mục tiêu đề ra. Cán cân thương mại thặng dư khoảng 6,8 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có chuyển biến. Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được cải thiện; hạ tầng xã hội nhiều mặt được nâng lên, đảm bảo kết nối đồng bộ và hiện đại, quy mô nhân lực tăng, chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện và nâng cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hội nghèo cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017); làm tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo...

Trong quý I.2019, tình hình KT – XH vẫn giữ được xu thế tích cực, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, tốc độ tăng GDP ước đạt 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 - 2019. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế và tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới, đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và cả người dân.

Toàn cảnh phiên họp

Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp cho rằng, cần đề cập đến chất lượng tăng trưởng có bền vững hay không khi một số địa phương nguồn thu chính lại từ tiền bán đất, tiền cho thuê đất và các doanh nghiệp đầu tư có vốn từ nước ngoài, thu từ khai thác khoáng sản, dầu mỏ, than đá...? Động lực tăng trưởng ra sao? Và phải nêu bật được những nguyên nhân của những tồn tại mới có thể giải quyết một cách căn cơ.

Nhiều doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có đến hơn 40% số doanh nghiệp mới vừa đi vào hoạt động đã giải thể. Do đó phải làm rõ đâu là nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ để đến năm 2020 Việt Nam có hơn 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Về an sinh xã hội, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là nhà ở, khám chữa bệnh, trường học cho con em công nhân tại các khu công nghiệp không được giải quyết một cách đồng bộ, khiến cho công nhân ngày càng rơi vào khó khăn. Tình trạng bạo lực học đường, xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên, sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT xảy ra nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra nhưng không được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tích cực vào cuộc...

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, khẳng định các đại biểu đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Những vấn đề đại biểu quan tâm như khơi thông các động lực phục vụ cho sự tăng trưởng trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Làm thế nào để đẩy mạnh khai thác dòng tiền từ xã hội để thu hút đầu tư, nhất là nguồn lực trong nhân dân. Bên cạnh đó phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai để tránh bị lãng phí, không bị bỏ hoang. Đặc biệt là phải cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển... Đây là những ý kiến đặc biệt quan trọng để Ủy ban Kinh tế tổng hợp, hoàn thiện báo cáo để trình ra Kỳ họp thứ 7 tới đây.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)