Giữ vững ổn định và bám sát các chỉ tiêu đã đề ra

12/10/2015

Chiều 12/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp                                           Ảnh: Đình Nam

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 của Chính phủ, đánh giá chung qua 9 tháng năm 2015,  nước ta đã ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những biến động kinh tế, chính trị khó lường của thế giới trong năm 2015 và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 0,74% so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ tương đối ổn định; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 683.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; tổng chi NSNN ước đạt 823,97.000 tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, vốn ODA và vay ưu đãi ước đạt 3.300 triệu USD.

Nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với cùng kỳ, tốc độ tăng GDP đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước; Tỷ lệ nhập siêu ở mức cho phép khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu (trong giới hạn Quốc hội cho phép là dưới 5%).

Trong 9 tháng ước tạo việc làm trên 1,2 triệu người, đạt 76,1% kế hoạch năm, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Lĩnh vực an sinh và phúc lợi xã hội được triển khai thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm. Công tác y tế dự phòng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường…

Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả. Nhiều hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Báo cáo của Chính phủ đưa ra mục tiêu tổng quát về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 như: tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội….

Báo cáo cũng đề ra một số dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016 như: GDP tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; Chỉ số tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%; Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 76%...

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo đánh giá thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Bên cạnh đó cũng đưa ra một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện hai bản Báo cáo trên trước khi đưa ra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 cần nhìn tới bối cảnh tình hình những năm tới, nhất là trong tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và cần bám sát hơn nữa vào kết luận của Trung ương.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, sau khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì tình hình nhập siêu có khả năng lớn lên. Do đó, Báo cáo của Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5% trong năm 2016 sẽ là rất khó vì tăng trưởng sẽ kéo theo phải nhập khẩu vật tư nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng… Bên cạnh đó, nhập siêu lớn sẽ dẫn đến thiếu ngoại tệ, dự trữ xuống gây khó ổn định tỉ giá.

Đề ra giải pháp cho vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “muốn hạn chế nhập siêu phải đẩy mạnh sản xuất trong nước. Muốn vậy phải sản xuất cho được vật tư, phụ tùng, máy móc, nguyên liệu. Giảm nhập siêu đồng thời cũng cạnh tranh được, nếu không các nước sẽ lợi dụng TPP của mình để xuất hàng vào, người ta dựa vào sản xuất của mình để hưởng lợi. Trước tình hình như vậy cần phải có các giải pháp hết sức quyết liệt”.

Bên cạnh đó, đánh giá kinh tế vĩ mô là điểm yếu và đáng lo nhất, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, nhất thiết phải giữ được ổn định và bám sát các chỉ tiêu đã đề ra. Vào Kỳ họp thứ 11 sẽ phải cố gắng ban hành được Kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong 5 năm tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Báo cáo của Chính phủ nên đề cập và làm rõ hơn một số vấn đề như về công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác đổi mới kỳ thi Trung học phổ thông, công tác giảm tải y tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với ngành công nghiệp trong nước...

Đối với thị trường lao động, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị 2 bản Báo cáo cần đề cập trên 3 phương diện. Thứ nhất, về cung cầu lao động, đây là quy luật quan trọng nhưng điều hành chưa nhịp nhàng nên còn tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; lao động phổ thông cũng dịch chuyển từ các địa phương, các khu công nghiệp, gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh. Thứ hai, tiền lương là một trong những trọng tâm trên thị trường lao động, nhưng tiền lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Thứ ba, vấn đề cạnh tranh trên thị trường lao động chưa được đánh giá đầy đủ.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng đề nghị thêm một số nội dung như: cần đánh giá sâu hơn vì sao tỷ lệ đào tạo lao động nghề không đạt được; cần đề cập tới việc mở rộng đối tượng an sinh và nâng cao chất lượng an sinh xã hội; đề nghị đánh giá tác động ảnh hưởng, đưa một số vấn đề dự báo, thách thức của việc cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch từ phi chính thức sang chính thức; đánh giá tác động về hội nhập đối với đời sống của nông dân, về 8 nghề được chuyển dịch tự do đối với khu vực ASEAN trong thời gian sắp tới…

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền phát biểu tại phiên họp

Cơ bản tán thành với hai bản Báo cáo khi đánh giá 2015 là năm đạt tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những năm gần đây, tuy nhiên Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhất trí cho rằng Báo cáo cần nêu rõ hơn “những nguyên nhân sâu xa” dẫn đến sự phát triển đó. Bởi đây sẽ là cơ sở để xác định và tạo cơ sở tiền đề cho giai đoạn phát triển mới, nhiệm kỳ mới.

Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền cũng đề nghị Báo cáo cần đánh giá sâu hơn về tình hình nông nghiệp, nông thôn, nông lâm thủy sản còn phát triển thấp. Trên cơ sở đó sẽ phân tích những nguyên nhân, bất cập, tồn tại từ đó đề ra những giải pháp khắc phục; đề nghị làm rõ hơn vấn đề về gói giải pháp hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp 30.000 tỷ đồng đã triển khai trong một thời gian dài nhưng mới chỉ giải ngân được 30% …

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bản Báo cáo cần tiếp thu ý kiến góp ý của các vị đại biểu, rà soát và chuẩn bị lại thật kỹ trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Quang Minh- Mai Trang