GDP sẽ tăng trưởng vượt mức 6,2%

20/05/2015

Sáng 20/5, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những tháng còn lại của năm 2015, nhiều khả năng cả nước sẽ thực hiện vượt mức tăng trưởng GDP 6,2%.

Theo Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho biết, năm 2014, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011.

Số liệu thống kê trong Báo cáo cũng cho biết, GDP Quý I: năm 2011 là 5,9%, năm 2012 là 4,75%, năm 2013 là 4,76%, năm 2014 là 5,06% và năm 2015 là 6,03%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng: năm 2011: 5,47%; năm 2012: 2,94%; năm 2013: 4,93%; năm 2014: 4,42%; năm 2015: 8,35%. Khu vực nông nghiệp: năm 2011: 5,02; năm 2012: 2,84%; năm 2013: 2,24%; năm 2014: 2,68%; năm 2015: 2,14%. Khu vực dịch vụ: năm 2011: 6,28%; năm 2012: 5,31%; năm 2013: 5,65%; năm 2014: 5,9%; năm 2015: 5,82%.

Đánh giá cao kết quả đã đạt được của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, những tháng đầu năm 2015 tình hình kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng GDP Quý I có mức phục hồi rõ rệt, là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Nhận định những tháng còn lại của năm 2015 tình hình diễn biến không thay đổi lớn so với dự báo đầu năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều khả năng cả nước sẽ thực hiện vượt mức tăng trưởng GDP 6,2%.

Để giữ vững được kết quả trên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần thực hiện một số vấn đề như: hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội.

Giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối; xác định rõ những lợi thế và các loại sản phẩm của từng địa phương, nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu, giải pháp hàng đầu vẫn là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất; kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế tiến đến tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hình thành giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, giá phí vận tải và giá dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần nâng cao cải cách thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước cần thay đổi một cách căn bản để phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế trong kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng... 

Đức Phương