THƯỜNG TRỰC UỶ BAN KINH TẾ HỌP LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

04/03/2020

Chiều ngày 04/3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức họp lấy ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp và một số doanh nghiệp, tập đoàn trực thuộc về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, hiện, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vẫn còn 2 vấn đề lớn, đặt câu hỏi “có nên đưa vào hay không?”. Đó là hộ kinh doanh và khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) liệu có bổ sung các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

“Trong quá trình nghiên cứu phương án của Chính phủ, chúng tôi đề nghị cần tập trung xem xét (liên quan khái niệm DNNN trong dự thảo Luật -PV) các vấn đề sau. Thứ nhất, nếu quy định DNNN khác so với luật hiện hành thì tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN thế nào, vì hiện nhiều đạo luật hiện hành cũng có khái niệm DNNN? Thứ hai, khái niệm DNNN như dự thảo sẽ tác động thế nào đến tâm lý của người tham gia góp vốn (nhà đầu tư trong nước và nước ngoài)? Thứ ba, điều này ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa DNNN? Đặc biệt, quản trị thế nào đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ?”, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề.


Toàn cảnh cuộc họp

Liên quan dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra 25 nhóm vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, như đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu chọn dự án đầu tư… Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp rà soát các quy định hiện hành. Về phía Quốc hội, các cơ quan trực thuộc cũng đang rà soát. Từ đó, Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh mong muốn các đại biểu cần tập trung làm rõ các nội dung trên để cơ quan thẩm tra có cơ sở tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Thay vào đó, nên điều chỉnh theo hai hướng. Một là, chuyển nội dung về hộ kinh doanh vào chương thành lập doanh nghiệp với góc tiếp cận là thành lập doanh nghiệp từ hộ kinh doanh thế nào? Hai là, nên chuyển hộ kinh doanh vào Luật Đầu tư, vì đó là chủ thể đầu tư; hoặc có một luật riêng. Đối với quy định về DNNN như dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng điều này có thể khiến nhà đầu tư e ngại rót vốn vào DNNN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ảnh hưởng tới quá trình cổ phần hóa. Thêm vào đó, khi mở rộng khái niệm DNNN là Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đòi hỏi phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để bảo đảm thực hiện không bị vướng.

Đối với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật có điều chỉnh hoạt động kinh doanh không hay chỉ là đầu tư? Việc phê duyệt chủ trương đầu tư ở địa phương cần đơn giản hơn. Theo đó, yêu cầu phải đánh giá hiệu quả công nghệ dự án đầu tư sẽ “làm khó” nhiều địa phương. Cơ quan soạn thảo cần xây dựng rõ mục tiêu quản lý để thiết kế quy trình thủ tục đơn giản hơn, tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Ngoài ra, nên có đánh giá hiệu quả đối với các dự án đầu tư sau 3 - 5 năm; bổ sung phụ lục trình tự đầu tư trong dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện thống nhất…

Phát biểu bế mạc cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong thực hiện quy định pháp luật. Ông tin tưởng các ý kiến tại cuộc họp là cơ sở để Ủy ban Kinh tế tổng hợp, chỉnh lý, tiếp thu và hoàn thiện 2 dự thảo Luật bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)