LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP)

26/08/2019

Chiều 26/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan; đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư có quan tâm đến thị trường Việt Nam; các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có quan tâm đến lĩnh vực này.

Báo cáo một số nét về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan soạn thảo Dự luật cho biết, PPP là một quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện một dự án hoặc một dịch vụ mà nhà nước có trách nhiệm cung cấp. Đầu tư theo hình thức PPP là đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa khu vực công và khu vực tư nhân trên cơ sở ký kết và thực hiện các hợp đồng PPP. Theo đó Luật PPP được xây dựng nhằm mục tiêu thể chế hóa định hướng, chỉ đạo về phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, huy động nguồn lực tư nhân qua PPP; xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho dự án PPP, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa các luật; đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại mà Việt Nam là thành viên; tuân thủ các nguyên tắc thị trường, lấy lợi ích của người dân và nhà đầu tư làm trọng tâm; thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước; đảm bảo cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, đơn giản, hiệu quả; phát huy các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả, đảm bảo thông lệ quốc tế, hoàn thiện, đổi mới, tránh xáo trộn khung thể chế về PPP để không ảnh hường đến các dự án đang triển khai.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, Dự luật quy định một số nội dung cơ bản sau: việc đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật này và các Luật khác; phạm vi áp dụng; trình tự thực hiện dự án PPP2, Dự luật quy định một số nội dung cơ bản sau: việc đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật này và các Luật khác; phạm vi áp dụng; trình tự thực hiện dự án PPP; loại hợp đồng PPP; hội đồng thẩm định dự án PPP; cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án; quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án; cơ chế bảo đảm của Chính phủ; áp dụng loại hợp đồng BT; hoạt động giám sát; chấm dứt hợp đồng.

Về tính đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật này và các Luật khác có liên quan, đại diện Cơ quan soạn thảo nêu rõ, các nội dung cần sửa đổi của một số Luật được quy định cụ thể tại Điều 101 bao gồm sửa đổi: Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các Luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho ý kiến

Thảo luận tại Hội thảo, một số đại biểu chỉ rõ, Điều 1 của Dự luật quy định về phạm vi điều chỉnh hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Đồng thời, Điều 5 của Dự luật đã liệt kê các lĩnh vực đầu tư về cơ bản có kế thừa, chọn lọc theo hướng thu hẹp các lĩnh vực đầu tư được quy định trong Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ.

Có đại biểu cũng nhận định, việc Dự luật không quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh- quản lý là hợp lý vì đây là dự án không có cấu phần xây dựng, không đòi hỏi vốn lớn. Tuy nhiên vẫn có thể có ý kiến cho rằng đối với các dự án PPP khác đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công không có cấu phần xây dựng cũng không nên quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu hoặc nên quy định mức tối thiểu thấp hơn 200 tỷ đồng vì trên thực tế các dự án PPP được thống kê để làm cơ sở tính toán chủ yếu là các dự án có cấu phần xây dựng, các công trình lớn.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Ngoài ra, một số chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, các thị trường mới nổi đã áp dụng hình thức đầu tư PPP để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng. Nhiều quốc gia ASEAN đã phát triển các Chương trình và Chính sách PPP nhằm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Do PPP thu hút nguồn tài chính tư nhân và mang lại các lợi ích sau: Chính phủ có thể tránh việc chi trả trước các khoản vốn đầu tư lớn; thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tiếp cận các nguồn vốn tư nhân lớn hơn; thiết kế dự án tốt hơn, triển khai đúng tiến độ và giảm chi phí vòng đời dự án…

Kết luận một số nội dung tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trân trọng cảm ơn những ý kiến sâu sắc, tâm huyết, xác đáng của các đại biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đại biểu để hoàn thiện Dự luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật này và các Luật khác có liên quan; tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh