Hội thảo tham vấn Ủy ban Kinh tế về dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)

31/07/2014

Ngày 31.7, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội thảo tham vấn Ủy ban Kinh tế về Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có đại diện của Ủy ban Kinh tế, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, lãnh đạo, chuyên gia một số bộ, ngành, Viện nghiên cứu, Tổng cục thống kê.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Văn Trung, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thống kê đã tạo môi trường pháp lý cơ bản và quan trọng cho hoạt động thống kê, khẳng định thông tin thống kê là công cụ quan trọng trong quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Thống kê cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến sửa đổi, Dự thảo Luật hiện có 9 chương, 59 điều, trong đó đáng chú ý Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã bỏ Chương VII, sửa đổi 6 điều của Luật Thống kê (2003) và bổ sung 10 điều. Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã có những sửa đổi cơ bản: phạm vi điều chỉnh; mục đích của hoạt động thống kê; kinh phí cho hoạt động thống kê; hệ thống thông tin thống kê chính thức; hình thức thu thập thông tin Thống kê chính thức; phân tích và dự báo thống kê, công bố và phổ biến thông tin Thống kê chính thức; nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kế tiên tiến, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê chính thức; sử dụng thông tin Thống kê chính thức, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục Thống kê và các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu triệt để các ý kiến góp ý của đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Luật; khẳng định vai trò công tác thống kê và tầm nhìn của Luật Thống kê (sửa đổi); nhấn mạnh và quy định rõ hơn tính độc lập của hoạt động thống kê; tăng cường công nghệ thông tin hiện đại cho hoạt động thống kê; phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể hiện rõ vai trò của công tác thống kê không chỉ phục vụ cho quản lý nhà nước, mà cho mọi đối tượng; là căn cứ để hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch; là công cụ để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện chiến lược, chính sách. Bảo đảm hoạt động thống kê khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ và độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ.

 

(Theo Đại biểu Nhân dân)