NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

18/06/2019

Chiều ngày 17/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã chủ trì cuộc họp về Nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Tham dự có: đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Ngoại giao; Bộ Công thương; Bộ Khoa học Công nghệ; Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Văn phòng Chính phủ… và đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì cuộc họp về Nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, thời gian qua, Quốc hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp về SDGs; tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy thực hiện SDGs theo cam kết đề ra. Cuộc họp nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức, vai trò của các cơ quan Chính phủ đối với các nội dung của SDGs, qua đó, nâng cao vai trò của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với công tác xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện SDGs tại Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị, các đại biểu trao đổi nhằm xây dựng các nội dung trong Bộ Công cụ tự đánh giá thực hiện SDGs phù hợp với tình hình thực tế trong nước. Nội dung và kết quả của cuộc họp là cơ sở để tổ chức Phiên giải trình về thực hiện SDGs, đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực thi các mục tiêu này như cam kết quốc tế đề ra.

Trình bày Báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu trình bày, sau hai năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia, đã hình thành một số văn bản pháp lý nhằm tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện SDGs tại Việt Nam. Một số hoạt động đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong thực hiện SGDs. Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về cơ bản đã thực hiện khá nghiêm túc việc ban hành Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương mình trong việc triển khai Chương trình nghị sự 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn toàn cầu, khu vực nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như tăng cường hợp tác quốc tế; đồng thời, huy động nguồn lực cho việc thực hiện SDGs.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia còn gặp một số hạn chế, khó khăn về nguồn lực tài chính, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, huy động sự chủ động tham gia của các bên liên quan, hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện SDGs trong giai đoạn hình thành.

Báo cáo tình hình hợp tác của Việt Nam với Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức chuyên môn của LHQ về thực hiện SDGs, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo cho biết, trong hơn 4 thập kỷ qua, thông qua các hoạt động hợp tác, LHQ đã mở rộng, nâng tầm hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, tri thức cho công tác xóa đói giảm nghèo, y tế, cải cách hành chính, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế… Nguồn lực quý báu đó đã góp phần giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện SDGs; đồng thời, đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của QH trong việc thực hiện SDGs. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc thực hiện thành công SDGs tại nước ta, các đại biểu cho rằng, QH cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật, chính sách cho phép thực hiện SDGs, tạo điều kiện cho các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia thực hiện SGDs. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy việc lồng ghép thành công SGDs vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025 và 2026 – 2030; giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch chính sách liên quan đến SDGs; quyết định việc phân bổ ngân sách và giám sát chi tiêu ngân sách ở cấp quốc gia và địa phương cho các chương trình, hoạt động liên quan đến SDGs; thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện SDGs thông qua sự tham gia của Quốc hội tại các Diễn đàn, đối thoại của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và các diễn đàn quốc tế, khu vực.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)