Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại gặp mặt các Đại sứ của các nước thành viên IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương

04/05/2017

Chiều 4/5, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì cuộc gặp mặt với các Đại sứ, Trưởng đại diện ngoại giao của các nước thành viên IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương trước thềm Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 11-13/5//2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại gặp mặt các đại sứ của các nước thành viên IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương

Chào mừng các đại diện ngoại giao của các nước thành viên IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo chương trình nghị sự của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), năm nay IPU sẽ tổ chức nhiều Hội nghị tại nhiều nước. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương do nước biển dâng. Trước tình hình đó, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn đối với quốc gia và chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực chủ động ứng phó với vấn đề này.

Với tinh thần đó, Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ là diễn đàn để các nghị viện, nghị sĩ trong khu vực, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động của IPU; góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông báo cho các đại diện ngoại giao về tiến độ công tác chuẩn bị tổ chức và nội dung Hội nghị Ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Chương trình Hội nghị sẽ kéo dài 2,5 ngày, gồm 3 phiên thảo luận chính, tập trung về 5 nội dung gồm: Tổng quan về các Mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của Nghị viện; Thúc đầy bình đẳng giới và nâng cao sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; Thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trong khu vực; Các cam kết quốc tế và yêu cầu đối với các nhà lập pháp; Huy động các nguồn lực thực hện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Đến nay, tổng số nước tham dự Hội nghị là 21 nước thành viên IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương, kể cả Việt Nam; tham dự Hội nghị dự kiến có khoảng 150- 200 đại biểu. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức tương tác, mời các nghị sĩ, chuyên gia quốc tế và trong nước phát biểu dẫn đề, sau đó các đại biểu sẽ tham gia thảo luận và đặt câu hỏi với những người phát biểu.

Kết quả của Hội nghị sẽ là một Tuyên bố Hội nghị để trình Đại Hội đồng IPU và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây là văn bản quan trọng đề cập những kiến nghị của các nước trong khu vực liên quan đến ứng phó với biến đối khí hậu, góp phần đề cao vị thế và uy tín của Quốc hội Việt Nam và để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại cuộc gặp mặt                  Ảnh: Đình Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu mong muốn các đại sứ cung cấp thông tin về các đoàn Quốc hội các nước tham dự Hội nghị này, để Quốc hội Việt Nam có sự chuẩn bị đón tiếp, bảo đảm sự trọng thị và chu đáo.

Tại cuộc gặp mặt, các Đại sứ, Trưởng đại diện ngoại giao của các nước thành viên IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương đánh giá Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” là một Hội nghị rất quan trọng; cho biết Nghị viện các nước thành viên IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương rất quan tâm đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều nước đã có sự khẳng định sẽ tham dự Hội nghị này.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cảm ơn các đại sứ đã phối hợp tốt với Quốc hội để tổ chức thành công các sự kiện trong thời gian qua. Đối với Hội nghị này, Quốc hội Việt Nam trân trọng mời các đại sứ tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị các đại sứ truyền đạt thông tin về kết quả của Hội nghị này tới các nước sau khi Hội nghị kết thúc, để cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.

Đặng Mai