Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi)

29/10/2015

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 29/10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Điều ước quốc tế             Ảnh: Đình Nam

Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét lần đầu tại Kỳ họp này.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phục vụ tích cực, kịp thời cho yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã tạo điều kiện cho các Bộ, ngành chủ động đề xuất ký kết điều ước quốc tế theo một quy trình thống nhất, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế một cách đầy đủ, nhịp nhàng, phù hợp với quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi điều ước quốc tế thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế, vì thế việc sửa đổi Luật là cần thiết.

Theo tờ trình, Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) gồm 9 chương với 86 điều, giảm 21 điều so với 107 điều của Luật Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, trong đó giữ nguyên nội dung 10 điều, sửa đổi 73 điều (sửa đổi nội dung và sắp xếp lại thành 56 điều trong dự thảo), bỏ 28 điều và bổ sung 20 điều mới, thay đổi vị trí của một số điều cho phù hợp bố cục mới của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điều ước quốc tế

Thẩm tra dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Ủy ban Đối ngoại tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật và cho rằng Dự án Luật đã được sửa đổi, bổ sung một cách khá cơ bản và toàn diện trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, quán triệt và thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách đối ngoại, Hiến pháp năm 2013 và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về tên gọi của dự án Luật, hiện nay tên gọi của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm ký kết, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế. Chính phủ kiến nghị sửa tên gọi của Luật thành “Luật Điều ước quốc tế”. Ủy ban Đối ngoại nhất trí với đề xuất trên, do tên gọi này vừa ngắn gọn, vừa đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, dự thảo Luật xác định phạm vi điều chỉnh của Luật gồm ký kết, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế. So với Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, dự thảo Luật bỏ cụm từ “gia nhập”. Ủy ban thẩm tra nhất trí với sửa đổi này do “gia nhập” là hành vi nằm trong hoạt động “ký kết” theo định nghĩa tại khoản 5 Điều 2 dự thảo Luật.

Về thẩm quyền phê chuẩn điều ước quốc tế của Quốc hội, ngoài phạm vi các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật quy định Quốc hội phê chuẩn "điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội" (khoản 6, Điều 29 dự thảo Luật). Ủy ban Đối ngoại cho rằng đây là vấn đề mới, có liên quan đến tính hợp hiến, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần được cân nhắc kỹ về mặt thẩm quyền. Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội không quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

Thời gian làm việc còn lại của buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật an toàn thông tin mạng.

Vân Ngọc