ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẾN TRE VỀ ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

29/08/2019

104 điểm sạt lở bờ sông, 08 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài sạt lở gần 20km, mất hàng trăm ha đất ven sông, biển... là những con số đáng chú ý, được đưa ra trong buổi làm việc của Đoàn giám sát Uỷ ban Đối ngoại với UBND tỉnh Bến Tre về thực hiện các điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu vào sáng ngày 29/8.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, trong khoảng 10 năm gần đây, các hiện tượng cực đoan như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mưa trái mùa, bão xuất hiện tác động nhiều hơn và diễn biến khó lường, triều cường với đỉnh triều ở mức cao gây tràn và sạt lở các tuyến đê bao. Mặt khác, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt do nước biển dâng, khô hạn kéo dài làm ranh giới mặn ngày càng đi sâu vào nội đồng. Thống kê đến cuối năm 2018, trên toàn tỉnh có 104 điểm sạt lở bờ sông, 08 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 19,4km. Dự báo trong thời gian tới, tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tiếp tục gia tăng, tác động trực tiếp đến tỉnh Bến Tre, cụ thể: ranh giới mặn 4 phần ngàn xâm nhập khoảng 60 - 70km từ cửa sông thời điểm các tháng mùa khô; Bến Tre là một trong những tỉnh ven biển có nguy cơ ngập cao với 22,2% diện tích ngập khi mực nước biển dâng 100cm. 

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận, hợp đồng, dự án với các đối tác nước ngoài nhằm triển khai các điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu. Hình thức hợp tác quốc tế để thực hiện điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu thời gian qua của tỉnh Bến Tre chủ yếu thông qua Hiệp định của Chính phủ với nhà tài trợ, đối tác nước ngoài và phân cấp nhiệm vụ và dự án cho địa phương phối hợp thực hiện. Tuy nhiên,việc hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu tại Bến Tre còn hạn chế, đa phần các chương trình, dự án tài trợ, hợp tác quốc tế từ Trung ương và phân cấp tiểu dự án cho địa phương.

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá báo cáo của về biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre đầy đủ, chi tiết, giúp Đoàn giám sát có cái nhìn tổng quan về tình hình sạt lở nói riêng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nói chung tại địa phương. Tuy nhiên, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Bến Tre cần thống kê cụ thể thiệt hại, sự chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương trong việc thay đổi cơ cấu sản xuất, canh tác; làm rõ việc sử dụng nguồn vốn và tiến độ triển khai các dự án về thực hiện điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Bến Tre cần phải nêu rõ các giải pháp cụ thể trong việc ứng  phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá, so với các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà Đoàn công tác đã đi qua như Trà Vinh, Cà Mau, tình trạng sạt lở của Bến Tre vẫn chưa đến mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, địa phương cần phải chủ động công tác phòng ngừa, nhằm đảm bảo an toàn tối đa về tính mạng và tài sản của nhân dân.

"Tôi nghĩ các công trình kè biển, kè sông bây giờ, cứ mày mò mà làm, có thể rất lãng phí. Trước mắt rất đẹp nhưng một vài năm công trình sẽ bị phá, bị hư hại thì lại rất lãng phí. Hiện biến đổi khí hậu gây ra sạt lở thì cần phải đánh giá nguyên nhân, thứ hai nữa là giải pháp về mặt kỹ thuật phải được đưa ra cùng với việc phê duyệt các dự án cũng như cấp nguồn kinh phí cho những công trình đó" - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ     

Để thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, tỉnh Bến Tre kiến nghị trong giai đoạn 2020 - 2030, Quốc hội thông qua hoạt động đối ngoại đề xuất Liên minh Châu Âu, Quỹ Bảo vệ Môi trường toàn cầu, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ, hợp tác thực hiện 2 dự án thí điểm ở tỉnh Bến Tre trước khi làm mô hình nhân rộng cho Đồng bằng song Cửu Long; Chính phủ xem xét, bố trí nguồn ngân sách, kết nối tạo điều kiện để các tỉnh,địa phương khó khăn về nguồn nhân lực tiếp cận với nguồn hợp tác, hỗ trợ quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ bắt buộc thực hiện về cam kết quốc tế.

Những đề đạt, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên của tỉnh Bến Tre được Đoàn giám sát ghi nhận và chuyển đến Trung ương, các Bộ, ngành liên quan trong thời gian sớm nhất./. 

Vũ Thạch