QUỐC HỘI VIỆT NAM CHỦ TRÌ CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN GIỮA AIPA VÀ ACCF VỀ BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ – MỐI LIÊN HỆ VỚI ĐẠI DỊCH COVID 19

19/06/2020

Sáng ngày 19/6, tại Nhà Quốc hội, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và Quỹ bảo tồn quốc tế (ICCF) về chủ đề ''Buôn bán động vật hoang dã, mối liên hệ với đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác do động vật truyền sang con người''.

 

Toàn cảnh cuộc họp điểm cầu Nhà Quốc hội Việt Nam

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh – đại diện Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA - 41, chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân.

Tham dự tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện của Quỹ bảo tồn quốc tế (ICCF), nghị sĩ một số nước thành viên AIPA như Brunei, CHDCND Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan… cùng các chuyên gia quốc tế về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã và phòng ngừa dịch bệnh.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết đại dịch Covid-19 bùng phát do virus lây nhiễm từ động vật sang con người đã nhanh chóng lan rộng qua hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội và nền kinh tế của các nước. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định dịch bệnh là một hồi chuông cảnh tỉnh buộc các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu phải tư duy lại về hướng tiếp cận trong vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như sức khỏe của hàng triệu người. Đồng thời khẳng định việc cấm buôn bán và giảm tiêu thụ động vật hoang dã là giải pháp then chốt để ngăn chặn những đại dịch xảy ra trong tương lai.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhận định, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép trong khu vực đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN, sự đồng thuận từ Quốc hội các nước, đặc biệt cần có sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà bảo tồn, nhà khoa học và các chuyên gia y tế. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đang tiến hành mọi biện pháp hợp tác để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến, Nhà nghiên cứu David Quammen cho rằng dịch bệnh Covid-19 đã được báo trước bởi các đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 và dịch MERS năm 2012, những thảm họa như vậy xuất phát từ chính cách con người tác động đến thiên nhiên, tương tác với các loài động vật, khai thác, sử dụng tài nguyên một cách bất hợp lý. Chuyên nghiên cứu về các dịch bệnh lây từ động vật sang người, nhà nghiên cứu David Quammen đặc biệt lưu tâm đến vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã. Qua các công trình nghiên cứu của mình, David Quammen khẳng định nạn buôn bán động vật hoang dã dẫn đến một nguy cơ rất lớn làm các loài virus mới phát tán gây ra dịch bệnh. David Quammen khuyến cáo một đại dịch trầm trọng hơn có thể xảy đến trong tương lai nếu không có các biện pháp hiệu quả và kịp thời để ngăn chặn nạn buôn bán động vật trái phép.

Cùng quan điểm với David Quammen, ông Steven Galster - Chủ tịch Quốc tế, Giám đốc Điều hành Tổ chức phi chính phủ Freeland, chuyên hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán trái động vật hoang dã, cũng đưa ra nhận định rằng nạn buôn bán động vật trái phép đang đặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn lên nền kinh tế - xã hội các nước. Theo ông, dù buôn bán động vật hoang dã hợp pháp hay bất hợp pháp thì nguy cơ lây lan virus và bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn, chỉ cần một lượng virus rất nhỏ lây lan và phát tán cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Phát biểu tại cuộc họp, nghị sĩ các nước, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã và phòng ngừa dịch bệnh đều nhất trí rằng việc buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế, xã hội môi trường, mà còn tiềm tàng nhiều nguy cơ lây nhiễm virus làm bùng phát dịch bệnh qua các tuyến vận chuyển. Trong chuỗi buôn bán trái phép động vật hoang dã, khu vực ASEAN là một điểm nóng, đóng vai trò như một trạm vận chuyển cũng như một thị trường rộng lớn. Vì vậy, Quốc hội các nước ASEAN cần có ý thức sâu sắc về vấn đề này, giảm tiêu thụ và chấm dứt buôn bán động vật hoang dã để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Các chuyên gia nghiên cứu quốc tế về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã và phòng ngừa dịch bệnh khuyến nghị Quốc hội các nước ASEAN cần hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường thực thi pháp luật, tăng ngân sách cho các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã, có biện pháp hiệu quả để bảo tồn, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng; tích cực hơn nữa trong việc phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Kết luận phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ vui mừng khi thấy vấn đề này đã nhận được sự quan tâm thảo luận sôi nổi từ nghị sĩ các nước. Gửi lời cảm ơn tới các nghị sĩ, các chuyên gia tham dự cuộc họp, Quỹ bảo tồn quốc tế (ICCF), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh hy vọng cuộc họp trực tuyến này mang đến những thông tin hữu ích cho Quốc hội các nước, thúc đẩy nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã./.

Bùi Hùng - Trọng Quỳnh