ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 2021-2030

19/09/2019

Chiều 19/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo “Định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Hội thảo “Định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”

Tham dự hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Gia Lai, Đắk Lắk, Cần Thơ…đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên do bị khai thác quá mức, thiếu quy hoạch. Khai thác dầu khí tại nhiều mỏ chủ lực đã sang giai đoạn suy giảm sản lượng. Ngay cả nguồn tài nguyên được cho là lợi thế của nước ta là than cũng đã bắt đầu cạn kiệt. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển cũng đang trong tình trạng suy thoái do ảnh hưởng bởi sự phát triển nóng thời gian qua.

Tình trạng ô nhiễm môi trường của nước ta có lúc, có nơi đã đến mức báo động. Môi trường một số lưu vực sông đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân, có nơi diễn ra phức tạp. Ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. 

Biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và tác động ngày càng lớn đến đời sống người dân. Bão, lũ xuất hiện thường xuyên hơn với cường độ và sức ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, lượng mưa ở nhiều khu vực giảm mạnh dẫn đến thiếu hụt nước, tăng nguy cơ xảy ra hạn hán. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, biển xâm thực ngày càng sâu.

Đứng trước yêu cầu cấp bách, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức rõ việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Nhấn mạnh, vấn đề này cần được nghiên cứu, phân tích và triển khai trên cơ sở quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng. Đồng thời, phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, đề xuất với Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII và cung cấp thông tin cho chuyên đề nghiên cứu trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”.

Dự báo một số mục tiêu về môi trường đạt kế hoạch đề ra

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của chiến lược 10 năm 2011-2020, nguyên nhân và mục tiêu của giai đoạn 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; bên cạnh đó, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Xây dựng cũng có báo cáo đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực quản lý của mình.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020, thời gian qua hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở đó, nhận thức của xã hội trong các vấn đề này có sự chuyển biến tích cực. Công tác quản lý bền vững tài nguyên ngày càng được chú trọng hơn. Chính phủ kiên quyết với chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, bước dầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Năng lực thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu dần được nâng lên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhận định, một số mục tiêu cụ thể về môi trường của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 dự báo sẽ đạt mục tiêu đề ra như đến năm 2020, 90% dân cư thành thị, 96% dân xư nông thôn sẽ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt trên 80%...

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số, gia tăng tiêu dùng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, áp lực tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhu cầu tài nguyên lớn và xả thải môi trường nhiều, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Cùng với đó, việc thực thi chính sách pháp luật, nguồn lực cho công tác quản lý còn hạn chế…là những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

Phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội – môi trường

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng giải pháp thời gian tới cần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư; tiếp tục hoàn thiện thể chế; tăng cường cơ chế giám sát thực thi pháp luật; tăng đầu tư nguồn lực thực hiện; phát triển hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế cũng như cần phát triển văn hóa, con người Việt Nam để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm. hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh điều hành nội dung thảo luận

Bên cạnh đó các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng trong giai đoạn tới cần tiếp tục đánh giá chính xác tình hình, lưu ý thực tế chạy theo chỉ tiêu kinh tế mà quên đi tác động đến môi trường của việc thực hiện những chỉ tiêu đó gây ra. Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội – môi trường; thực sự xem 3 nhiệm vụ kinh tế, xã hội và môi trường là nhiệm vụ trọng tâm để có những giải pháp thực hiện phù hợp, đột phá.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, các tham luận cùng với các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quý báu để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Bảo Yến