Hội thảo tham vấn góp ý kiến vào dự thảo Luật hành chính công

05/08/2017

Sáng 5/8, tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý kiến vào dự án Luật hành chính công. Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Trần Ngọc Khánh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyến Tuấn Anh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật hành chính công và chuyên gia hành chính công Đại học Texas A&M Hoa KỳGS.Phạm Lệ Huyền.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết với mục đích quán triệt, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật hành chính công, tạo thêm công cụ trong quản lý, điều hành và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính thì việc xây dựng dự án Luật hành chính công trong thời điểm này là rất quan trọng.

Trong thực tiễn quản lý, điều hành hành chính từ trung ương đến cơ sở còn nhiều nguyên tắc chung cần được luật hóa nhưng hiện chưa có luật quy định gây khó khăn, ách tắc, trở ngại trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực quan trọng trong quản lý nhà nước như “thủ tục hành chính”, “quản lý dịch vụ công”, “hợp đồng hành chính công”, “kiểm soát hành chính công”, “chính phủ điện tử”… mới chỉ dừng ở các quy định tầm Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ nên việc triển khai tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, việc luật hóa khái niệm hành chính công không chỉ góp phần thể chế chủ trương, Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quản lý nhà nước mà còn tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật về mối quan hệ công- tư trong cơ chế thị trường, đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn quản lý hành chính công ở các địa phương, cơ sở.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công, từ khi thành lập, Ban soạn thảo dự án Luật đã duy trì làm việc thường xuyên, triển khai nhiều hoạt động và chuẩn bị hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý kiến vào dự thảo Luật hành chính công để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật hành chính công với chuyên gia của Hoa Kỳ cũng như các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học đối với dự án Luật.

Tại Hội thảo Chuyên gia hành chính công Đại học Texas A&M GS. Phạm Lệ Huyền đã chia sẻ kinh nghiệm về luật hành chính công của Hoa Kỳ về thẩm quyền của các cơ quan hành chính Hoa Kỳ, các thủ tục và kiểm soát hoạt động của các cơ quan này và cho biết tại Hoa Kỳ, Luật thủ tục hành chính được Nghị viện ban hành năm 1946 áp dụng cho tất cả các cơ quan liên bang trừ phi Nghị viện có quy định khác. Luật này quy định các thủ tục cần phải thực hiện, tùy theo hoạt động mà cơ quan quản lý triển khai. GS. Phạm Lệ Huyền cũng cho hay, tại thời điểm Luật thủ tục hành chính của Hoa Kỳ được ban hành thì nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cho rằng luật này là không cần thiết và Luật được xây dựng tương đối đơn giản. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trong quá trình áp dụng, Tòa án với tư cách là cơ quan giải thích Luật đã phải nhiều lần bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định của Luậttrên thực tiễn.

Tại Hội thảo, các đại biểu Quốc hội cũng trực tiếp góp ý cho hồ sơ dự án luật và các nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật hành chính công, đồng thời cho rằng Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật hành chính công cần làm rõ hơn sự cần thiết phải giải quyết những bất cập của thực tiễn đặc biệt là bức xúc của dân với chính quyền chủ yếu liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính và nhấn mạnh, việc xây dựng Luật nhằm hướng đến đổi mới thủ tục hành chính sao cho đơn giản thuận tiện, các cơ quan quản lý đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quản lý chặt chẽ hơn.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về cách tiếp cận để phạm vi điều chỉnh của Luật gắn với thực tiễn xuất phát từ nhu cầu của người dân đối, sự đáp ứng của nhà nước; những vấn đề nhà nước cần quản lý để từ đó xác định các đầu việc cần phải thực hiện của Nhà nước, quy định phân cấp phân quyền và xác định rõ các mối quan hệ trong lĩnh vực này.

Bày tỏ sự quan tâm đến tính khả thi của dự án Luật, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến việc đánh giá tác động của các quy định của dự thảo Luật và có sự rà soát ảnh hưởng của dự án Luật đến các luật hiện hành, trả lời câu hỏi các luật nào, quy định nào cần phải sửa đổi nếu luật này được ban hành.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, phát biểu kết thúc Hội thảo, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện dự án Luật hành chính công, hướng đến thể chế chủ trương, Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp 2013 về quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở để Nhân dân kiểm tra, giám sát; góp phần hội nhập quốc tế, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tin và ảnh: Bảo Yến