Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công khảo sát tại các Bộ về thực hiện chính sách, pháp luật về hành chính công

24/06/2017

Thực hiện chương trình công tác tháng 6, ngày 23/6, Đoàn công tác của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Trưởng Ban soạn thảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh làm Trưởng đoàn, đã khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hành chính công giai đoạn từ năm 2011 đến nay, đồng thời lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật hành chính công tại Bộ Công thương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tham dự Đoàn công tác còn có Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật hành chính công.

Tại Bộ Công thương, báo cáo kết quả triển khai thực hiện chác sách pháp luật hành chính công của Bộ Công thương, đại diện lãnh đạo Bộ cho biết, là bộ đa ngành, đa lĩnh vực quản lý 28 trên tổng số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 130 dịch vụ hành chính công tương đương 454 thủ tục hành chính ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, Bộ Công thương luôn chú trọng tới việc đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ, trong đó có cả việc triển khai thực hiện nghiêm tục cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đoàn công tác của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công làm việc với Bộ Công thương

Trong năm 2016 Bộ Công thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực. Trong năm 2017, Bộ dự kiến đơn giản hóa 17 lĩnh vực tại 40 văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Bộ Công thương là đơn vị đầu tiên ban hành thông tư cấp Bộ quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Thông tư số 05/2016/TT-BCT. Hiện nay, tất cả 305 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 157 thủ tục hành chính triển khai ở mức độ 3 và 4. Thống kê từ ngày 01/1/2016 đến 20/2/2017 đã có 667.110 hồ sơ liên quan đến các thủ tục hành chính được gửi theo hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, việc chia sẻ kết nối thông tin, đồng bộ dữ liệu giữa các Bộ, giữa Trung ương với địa phương chưa được thống nhất dẫn đến trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế. Đồng thời, do hạn chế về trình độ dân trí nên nhiều đối tượng người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được với công nghệ.

Liên quan đến nội dung dự án Luật hành chính công, Bộ Công thương đề xuất, luật cần phải có những quy định mang tính kế thừa và đặc thù. Theo đó cần nâng lên thành luật những quy định ở các văn bản dưới luật được triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời cần phân tích và hệ thống hóa sâu hơn các quy định về thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, dịch vụ công, chính phủ điện tử, hợp đồng hành chính công… hiện chưa được luật nào quy định.  

Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn công tác đánh giá cao sự chuẩn bị cũng như những thông tin mà đại diện lãnh đạo Bộ chia sẻ; ghi nhận những nỗ lực triển khai dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và cho biết những thông tin thực tiễn hoạt động về triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công của Bộ, những kiến nghị đề xuất sẽ là thông tin tham khảo quan trọng cho Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật hành chính công.

Tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, nhiều năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và Bộ đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp đột phá để thực hiện. Cho đến nay, Bộ đã kết nối với Chính phủ, hoàn thành Cổng thông tin điện tử, 11 dịch vụ công đã hoàn thiện. Bộ được Chính phủ đánh giá xếp hạng thứ 4 trong số các Bộ, cơ quan ngang Bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cũng xếp hạng thứ 4 về chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 89 thủ tục hành chính cấp trung ương đã được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 2 tại Cổng thông tin điện tử của Bộ. Năm 2016, Chính phủ giao Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện 07 dịch vụ công trực tuyến. Bộ đã triển khai thành công 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới người dân, doanh nghiệp, hoàn thành vượt kế hoạch cung cấp 06 dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đặng Thị Bích Liên báo cáo tình hình triển khai chính sách, pháp luật về hành chính công của Bộ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã kết nối, liên thông thành công 01 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với Cổng dịch vụ công thử nghiệm Quốc gia từ tháng 7 năm 2016 (thủ tục Cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim). Năm 2017, tiếp tục cung cấp thêm mới 17 dịch vụ công trực tuyến (bao gồm 16 dịch vụ mức độ 3 và 01 dịch vụ mức độ 4) trong năm 2017. Đến nay, Bộ đã hoàn thành xây dựng quy trình thực hiện điện tử của 17 dịch vụ này. Dự kiến sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm và công bố chính thức tới người dân và doanh nghiệp trong Quý III/2017. Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 107 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong tổng số 89 thủ tục hành chính cấp trung ương thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, có những thủ tục liên quan đến các đơn vị ngoài Bộ như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia thẩm định, phê duyệt và một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ (như lĩnh vực Di sản văn hóa, Thi đua khen thưởng, Quản lý sử dụng vũ khí, súng săn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…). Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ công Quốc gia và hệ thống dịch vụ công của các Bộ, Ngành chưa được triển khai đồng bộ, khó khăn trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với nhóm các thủ tục hành chính này.

Ngoài ra, một số dịch vụ công liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan hiện theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và một số dịch vụ công bao gồm thành phần hồ sơ là văn hóa phẩm như di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia … là những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thẩm định hồ sơ qua môi trường mạng. Đồng thời, các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho nhiệm vụ xác thực thông tin người dân chưa được đưa vào khai thác, sử dụng gây khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, xác thực thông tin người dùng qua mạng điện tử.

Đoàn công tác của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công cùng Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ

Đánh giá về công tác thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 của các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các thành viên Đoàn công tác đều cho rằng, các đơn vị đã chuẩn bị nghiêm túc, đánh giá đầy đủ và xác đáng về vấn đề, những ý kiến tại buổi làm việc đã giúp cho Ban soạn thảo có cái nhìn sát với thực tế, góp phần hoàn thiện Luật hành chính công. Trưởng Ban soạn thảo Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị thuộc Bộ cho buổi làm việc, đóng góp nhiều ý kiến hiệu quả và thiết thực cho Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công trong quá trình xây dựng luật. Trưởng Ban soạn thảo Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh đề nghị, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập hợp, báo cáo đầy đủ về những vấn đề còn vướng mắc với những văn bản của Bộ, những vướng mắc ở các văn bản, quy định của Chính phủ, vướng mắc trong văn bản phối hợp với các Bộ, ngành khác.

Tin và ảnh: Bảo Yến