Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với các cơ quan, đơn vị nhằm tháo gỡ khó khăn trong ứng dụng đóng tàu bằng vật liệu PPC

17/06/2017

Sáng 17/6, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Công nghệ và Môi trường đã làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong ứng dụng đóng tàu bằng vật liệu PPC. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc còn có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Trần Quốc Khánh, đại diện lãnh đạo các bộ ngành hữu quan, lãnh đạo các đơn vị đóng tàu cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Quang cảnh buổi làm việc

Ứng dụng vật liệu PPC vào đóng tàu cần được thử nghiệm, khảo sát và đánh giá

Tại cuộc làm việc, đại diện công ty Việt Séc (KCN sông Dinh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong hai doanh nghiệp trong nước chuyên đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC cho biết, từ năm 2011 các doanh nghiệp Việt Nam đưa công nghệ vật liệu polypropylene copolymer (PPC) vào đóng phương tiện thủy. Sau 6 năm công nghệ vật liệu PPC được đưa vào Việt Nam, doanh nghiệp trong nước đã sản xuất hàng chục tàu tuần tra, ca nô các loại cung cấp cho lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, trong quá trình ứng dụng công nghệ vật liệu mới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn trong công tác đăng kiểm do thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ PPC. Hơn nữa, việc Bộ Giao thông- Vận tải ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa bằng vật liệu PPC giới hạn chiều dài tối đa dưới 20 m, sức chở đến 12 người sẽ dẫn đến việc không thể ứng dụng vật liệu PPC trong việc chế tạo tàu khách, du thuyền…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Lê Đình Thọ nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước không gây khó khăn trong việc đưa vật mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng vào đóng tàu nhưng phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện. Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải cho biết, từ năm 2015, Bộ đã thành lập tổ công tác gồm các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ vật liệu, hóa học, kết cấu, chế tạo,... đã tham khảo các tài liệu về PPC trên thế giới, làm việc với nhà sản xuất vật liệu và có các thử nghiệm cần thiết. Trên cơ sở đó xây dựng, đề xuất và Bộ Giao thông- Vận tải ban hành quy chuẩn nêu trên. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là nước đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy có sức chở trên 12 người để sử dụng thử nghiệm và cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, PPC là một loại nhựa có nhiều đặc tính tốt, đó là: tỷ trọng nhẹ, không cần bảo dưỡng, có thể tái sinh. Tuy nhiên, loại vật liệu này cũng có 4 nhược điểm, đó là chịu tải thấp, dễ cháy, độ khói cao, và nguy hiểm nhất là dễ bị lão hóa tùy thuộc vào nhiệt độ và thời gian sử dụng. Do vậy, để ứng dụng vật liệu PPC vào đóng tàu cần tiếp tục được thử nghiệm, khảo sát và đánh giá. Thực tế cho thấy, qua khảo sát của các Bộ, ứng dụng nhựa PPC vào đóng tàu chỉ bảo đảm đối với các tàu có sức chở đến 12 người, còn hai tàu có công suất lớn hơn khi đưa vào sử dụng đều liên tục xảy ra sự cố.

Thực tế, các nước trên thế giới không sử dụng PPC để đóng tàu thương mại. Chỉ có một vài nước dùng vật liệu này đóng thuyền vui chơi giải trí hoặc công tác. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cùng doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu của 11 phương tiện thủy cỡ nhỏ và hai bến nổi đóng bằng PPC. Kết quả đánh giá cho thấy, PPC phù hợp để đóng phương tiện thủy nội địa có sức chở đến 12 người. Để đóng phương tiện chở khách, tàu du lịch trên 12 người, cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để có căn cứ khoa học đầy đủ mới có thể đề xuất cho phép áp dụng. Thời hạn thử nghiệm cuối cùng là ngày 30/6/2018 để các bộ có đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng.

Cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành khắc phục khó khăn, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, chủ trương hiện đại tàu cá nhằm phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; đồng thời, khẳng định, luôn hoan nghênh việc ứng các vật liệu mới vào đóng tàu nhằm giảm giá thành và tăng cường hiệu quả khai thác. Đại diện các Bộ nhấn mạnh, việc ứng dụng vật liệu mới đóng tàu đều phải đề cao yêu cầu bảo đảm tính mạng con người và tài sản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Phùng Đức Tiến cho rằng, chính sách công nghệ của nước ta hiện nay hoàn toàn mở cửa, Luật chuyển giao công nghệ cũng ưu tiên công nghệ cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông- Vận tải đã hết sức trách nhiệm khi tiến hành kiểm tra, khảo sát, xác định xuất xứ vật liệu, căn cứ pháp lý. Đồng thời, liên quan đến tính mạng con người thì việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn càng phải chú trọng, tuân thủ đúng các quy trình kiểm định. Qua trao đổi tại buổi làm việc cho thấy, chất lượng vật liệu là tốt nhưng có những nhược điểm nên đặt ra vấn đề khi thiết kế, vận dụng vào bộ phận nào trong tàu để khắc phục hạn chế, sử dụng ưu điểm để thành sản phẩm tối ưu, giá thành hạ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các Bộ ngành vào cuộc quyết liệt, từ nay đền năm 2018 để có đánh giá, kết luận cuối cùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng vật liệu mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng hoan nghênh các doanh nghiệp trong việc cố gắng đưa vật liệu mới vào Việt Nam, với mong muốn góp  phần phát triển đất nước trong lĩnh vực đóng tàu. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, quá trình ứng dụng vật liệu mới vào đóng tàu đòi hỏi phải có sự đánh giá, xem xét kỹ càng, nhất là khi liên quan đến tính mạng con người. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn, các doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước nhiều hơn để có những đánh giá cụ thể và thiết thực nhất, bảo đảm yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc kiểm định và cấp chứng nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chia sẻ khó khăn với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải – cơ quan chịu trách nhiệm chính bám sát, đồng hành với doanh nghiệp nhằm chia sẻ những vướng mắc với doanh nghiệp để sớm có kết luận, báo cáo về việc ứng dụng vật liệu PPC vào đóng tàu. Điều kiện tiên quyết là không đánh đổi tính mạng con người và tài sản của người dân, bất kể là những sai sót nhỏ nhất. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học- Công nghệ có báo cáo bằng văn bản các nội dung có liên quan đến ứng dụng vật liệu PPC vào đóng tàu gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 

Tin và ảnh: Bảo Yến