Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công làm việc với các Bộ về thực hiện chính sách pháp luật về hành chính công

15/05/2017

Ngày 15/5, thực hiện chương trình công tác năm 2017, Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn khảo sát do Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh làm trưởng Đoàn đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hành chính công từ năm 2011 đến nay và tham quan mô hình một cửa, một cửa liên thông của Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham gia Đoàn khảo sát còn có Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội GS.TS Phan Trung Lý cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật hành chính công.

Đoàn khảo sát của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công làm việc với Tổng cục đường bộ Việt Nam

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến

Trao đổi với Đoàn khảo sát, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, kiểm soát, thực hiện thủ tục hành chính là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính, vì vậy bên cạnh Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, Tổng cục còn triển khai kế hoạch rà soát thủ tục hành chính để các đơn vị thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đó. Tổng cục thường xuyên rà soát theo chuyên đề các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường bộ để điều chỉnh các nội dung như thành phần hồ sơ, yêu cầu của thủ tục, thời gian thực hiện, quy trình thực hiện… để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hiện nay, trong lĩnh vực giao thông đường bộ có 108 thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa. Các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, mới ban hành được Tổng cục báo cáo kịp thời về nội dung công bố, công khai, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia và niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở. Tổng cục đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp giấy phép lái xe quốc tế; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe và 12 thủ tục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ; tiến tới triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 25 thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải đường bộ quốc tế.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục đăng kiểm cũng cho biết, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục đăng kiểm được thực hiện từ sớm, triển khai đồng bộ chữ ký số, hóa đơn điện tử và nhiều giao dịch điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong năm tháng đầu năm 2017, Tổng cục đăng kiểm đã hỗ trợ cấp 7.000 lượt hồ sơ trực tuyến.

Tương tự các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng coi việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố chuẩn hóa 430 thủ tục hành chính, còn 38 thủ tục hành chính đang được rà soát để tiếp tục công bố chuẩn hóa. Trong đó, Bộ đã tổ chức triển khai 17 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Bộ cũng đã xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Bộ đến địa phương. Thực hiện tích hợp các nhóm dịch vụ công trực truyến của Bộ với Hải quan một cửa quốc gia lên Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống Hải quan một cửa quốc gia để cấp phép, thực hiện các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Đoàn khảo sát tham quan mô hình một cửa tại Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đặc biệt, tại Cục chăn nuôi, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục đăng kí kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã đem lại hiệu quả tích cực. Không chỉ rút ngắn thời gian, chi phí cho việc đăng ký kiểm tra, thông quan hàng hóa mà thực hiện cơ chế này góp phần công khai, minh bạch, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại trong hoạt động của công chức.

Tuy nhiên, lãnh đạo các Bộ cũng cho biết triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn như việc sử dụng chữ ký số còn thấp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 chưa nhiều; việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm quản lý, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, liên thông giữa các Bộ, các đơn vị thuộc Bộ và giữa cơ quan quản lý chuyên ngành ở Trung ương với địa phương còn hạn chế. Mặt khác, hiện nay trình độ người dân và doanh nghiệp chưa cao nên việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế, vẫn duy trì việc thực hiện thủ tục hành chính theo truyền thống như gửi văn bản qua bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền. Điều này đặt ra yêu cầu phải tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; cũng như có cơ chế thực hiện đồng bộ, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương.

Đề xuất nguyên tắc phối hợp chia sẽ dữ liệu trong dự thảo Luật hành chính công 

Tại buổi làm việc với Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện dịch vụ hành chính công của đơn vị, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết hiện nay một số địa phương không tích cực áp dụng, tuyên truyền, triển khai đến người dân và doanh nghiệp; một số địa phương muốn xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến riêng tuy nhiên sẽ gây khó khăn cho việc kết nối cơ sở dữ liệu, không tạo sự đồng bộ, thống nhất với Bộ chủ quản. Bên cạnh đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, cơ quan hiện nay còn hạn chế. Vì vậy, cần phải có cơ chế phối hợp nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu, đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến giữa các Bộ, các cơ quan Trung ương và giữa Trung ương với địa phương.

Đoàn khảo sát tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trao đổi với Đoàn khảo sát của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn bày tỏ ủng hộ sự cần thiết phải ban hành Luật hành chính công và cho rằng Luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý nhằm góp phần đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Nhằm giải quyết những bất cập trong quản lý hành chính. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, dự thảo Luật cần đề cập đến vai trò của người đứng đầu trong quản lý đội ngũ cán bộ công chức với vai trò là nguồn lực con người trong quản lý nhà nước, ghi nhận quyền tự chủ và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tuyển dụng cán bộ, công chức, người lao động. Đồng thời, luật cũng cần quy định về nguyên tắc nhằm khắc phục tình trạng quản lý nhà nước bằng thông báo, bằng khẩu dụ; xác định mối quan hệ trong quản lý hành chính nhà nước giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, quan hệ giữa cơ quan quản lý chung ở địa phương với cơ quan quản lý chuyên ngành ở Trung ương và đề cập đến trách nhiệm bồi thường của cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý…

Kết luận tại các buổi làm việc với các Bộ, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả trong thực hiện dịch vụ công của các Bộ. Ghi nhận những đóng góp, kiến nghị của các Bộ, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh đề nghị các Bộ tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về hành chính công gửi Ban soạn thảo; đồng thời làm rõ thêm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế giám sát, vấn đề phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cho cấp dưới, thực hiện xã hội hóa trong một số thủ tục hành chính và đưa ra các đề xuất kiến nghị cụ thể để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật hành chính công.

Tin và ảnh: Bảo Yến