Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp phiên toàn thể thẩm tra hai dự án Luật

27/04/2017

Ngày 27/4, tại thành phố Đà Nẵng, trong chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra hai dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Trình bày tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Luật Thủy sản (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, giảm 2 chương và tăng 38 điều so với Luật Thủy sản 2003. Theo đó,  Luật này có kết cấu gồm 8 chương, 100 điều, quy định về: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nuôi trồng thủy sản; Khai thác thủy sản; Quản lý tàu cá và dịch vụ hậu cần trong khai thác thủy sản; Kiểm ngư; Chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.

Thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủy sản là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011-2020): “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng bố cục của dự thảo Luật là rõ ràng, thể hiện được cơ bản các quy định cần thiết cho chuỗi các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, đề nghị cần xem xét, thể hiện 01 Chương riêng về quản lý nhà nước trong hoạt động thủy sản và quy định rõ hơn về chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN và MT Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật lần này, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng để xử lý những bất cập, chồng chéo, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật có liên quan với các luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để xử lý việc trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn không hợp lý, bảo đảm tính thống nhất và khả thi của dự án Luật, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Ví dụ như quy định về khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa, một số đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát, thiết kế lại các quy định của dự thảo Luật để vừa thực hiện được các nội dung bảo tồn thủy sản mà vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đa dạng sinh học, tránh sự chồng chéo giữa chức năng quản lý tổng thể về đa dạng sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng quản lý chuyên ngành về thủy sản của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, dự thảo này sau khi sửa đổi gồm 12 chương, 97 điều, trong đó kế thừa 8 điều của Luật cũ, sửa đổi 60 điều, bổ sung mới 29 điều, bỏ 19 điều, bổ sung 4 chương mới; quy định về việc quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản. Thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, bố cục như vậy là cơ bản hợp lý.

Thảo luận về dự thảo luật này, các đại biểu đã cho ý kiến về sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; đóng góp nhiều ý kiến để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Về phân loại rừng, các đại biểu đề nghị phân tích làm rõ hơn cơ sở khoa học và thực tiễn của việc quy định phân thành 3 loại rừng như Dự thảo luật; đồng thời nghiên cứu bổ sung, quy định cụ thể ngay trong Luật này một số tiêu chí cơ bản để phân loại rừng cho phù hợp thực tiễn.

Về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, các đại biểu cho rằng cần quy định ngắn gọn hơn, chỉ cần tập trung vào những vấn đề nội dung đặc thù của quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, lấy ý kiến về quy hoạch, thẩm định và thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Đồng thời, đề nghị quy định rõ vai trò của các bên liên quan và sự tham gia tổ chức lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia của các bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo chất lượng, tính khả thi của quy hoạch.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, dựa vào những ý kiến thảo luận tại phiên họp và hồ sơ trình Quốc hội, hai dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) của Chính phủ đã đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến. Sau phiên họp này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ có báo cáo chính thức để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Đặng Mai