Hội nghị Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững

24/03/2017

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội Nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, rừng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì và cung cấp các nguồn lâm sản, nguồn năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường, phục vụ đời sống, sản xuất của con người. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Sau hơn 8 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2016) gắn với 6 năm triển khai nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các Chính sách này đã từng bước lan tỏa, tạo ra nguồn tài chính mới, ổn định bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách mới có tính khả thi cao, phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, được các bên liên quan thực hiện tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn quốc đã có 42 Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 6.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Kết quả trên khẳng định hướng đi đúng trong việc tạo nguồn lực bổ sung cho ngành lâm nghiệp thông qua sáng kiến tạo cơ chế tài chính mới.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm tổ chức hoạt động, các chính sách này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả tiền dịch vụ môi trường rừng hoặc chậm chi trả dẫn đến nợ đọng nhiều; địa vị pháp lý của Qũy Bảo vệ và phát triển rừng chưa rõ, dẫn đến các địa phương hiểu, vận dụng khác nhau, thiếu thống nhất, việc tự chủ tài chính chưa được quy định… Nguồn lực cho phát triển rừng còn chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò của rừng mang lại, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Trước tình hình đó, yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý và xã hội hóa trong huy động nguồn lực cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng là đòi hỏi hết sức cấp thiết.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, xác định những tồn tại, khó khăn và thảo luận tìm ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, thúc đẩy thực thi chính sách, đặc biệt là thúc đẩy việc nghiên cứu, đề xuất khai thác hết các tiềm năng của dịch vụ môi trường rừng, đề xuất mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực; đề xuất với Quốc hội về sáng kiến tạo cơ chế tài chính mới để Luật hóa trong Luật bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện.

Các đại biểu đánh giá, tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng còn rất lớn. Trong thời gian tới, cần tính toán cụ thể để khai thác tối đa, không chỉ từ thủy điện,nước sạch, du lịch mà các loại dịch vụ môi trường rừng khác từ cơ sở công nghiệp sử dụng nước mặt, cơ sở thủy sản có sử dụng nước từ rừng, các cơ sở có phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế nhằm bảo vệ, phát triển rừng tốt nhất, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao các kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách trong thời gian tới. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tham mưu với Quốc hội để thể chế hóa, đưa quy định về dịch vụ môi trường rừng vào Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Từ đó, làm cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành tăng cường thực thi, nâng cao hiệu quả chính sách trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nghề rừng, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, gắn với cải thiện sinh kế cho người dân ở các vùng miền núi.

Dựa trên các nội dung thảo luận, trao đổi, góp ý của các nhà khoa học, các đại biểu tại Hội nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu các chính sách phù hợp, góp phần nâng cao giá trị của ngành Lâm nghiệp đối với đời sống xã hội. Việc làm này sẽ tạo chuyển biến tốt nhất trong tổ chức vận hành hệ thống các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương tới các địa phương, gắn kết với việc thực thi có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

 

Đặng Mai