Hội thảo về phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp nhôm mới

11/11/2016

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã dự Hội thảo “Những bài học kinh nghiệm của ALCOA về phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp nhôm mới” do Tập đoàn Alcoa tổ chức. Tham dự Hội thảo còn có nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson, các thành viên thường trực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết Alcoa là Tập đoàn đa quốc gia chuyên về công nghiệp nhôm có công nghệ hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới. Được thành lập từ năm 1888, với bề dày lịch sử gần 130 năm, hoạt động trên 30 quốc gia trên toàn thế giới. Alcoa đến Việt Nam từ năm 2006 và mong muốn xúc tiến hợp tác phát triển ngành công nghiệp nhôm ở Việt Nam. Vì vậy, Hội thảo là cơ hội để Alcoa chia sẻ kinh nghiệm, bài học về tình hình khai thác quặng, phát triển ngành công nghiệp nhôm trên thế giới và việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác quặng, vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề bảo đảm khai thác và phát triển bền vững. Hội thảo sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin nghiên cứu, tham khảo trong triển khai các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ hy vọng Hội thảo cùng với chuỗi hoạt động hợp tác của Alcoa với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tại Việt Nam sẽ góp phần xây dựng quan hệ hợp tác tốt đẹp trong việc phát triển ngành công nghiệp nhôm nói riêng và thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ cho biết trên cở sở hợp tác với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các bộ ngành, khảo sát thực tế tại một số địa phương có thể khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp nhôm trở thành quốc gia có ngành công nghiệp nhôm hàng đầu trên thế giới. Theo đó, Việt Nam có thể tiến hành theo giai đoạn gắn kết sự phát triển công nghiệp với điều kiện thị trường và cần thời gian thực hiện dài hơi để xây dựng hạ tầng quan trọng cần thiết và đạt được hiệu quả sản xuất tối ưu. Điều kiện cung và cầu hiện nay trên thế giới đưa đến cho Việt Nam những cơ hội trong ngắn hạn là phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít bền vững và toàn diện, về trung hạn có thể phát triển các nhà máy sản xuất alumina quy mô lớn và về dài hạn có thể phát triển năng lực và công nghiệp nhôm.

Trước quan tâm của các đại biểu về việc xử lý chất thải, yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, chuyên gia của Hoa Kỳ cho biết thêm với sự phát triển của công nghệ như hiện nay sẽ có nhiều cách để xử lý chất thải bảo đảm an toàn và tùy thuộc đặc điểm về địa hình, điều kiện tự nhiên để có lựa chọn cách thức xử lý chất thải sao cho phù hợp. Để việc xử lý chất thải bảo đảm yêu cầu, an toàn thì cần phải có thiết kế nơi trữ chất thải bảo đảm yêu cầu và phải được xây dựng tốt; đồng thời trong quá tình vận hành phải thường xuyên có sự giám sát và tuân thủ kỷ luật.

Tin và ảnh: Bảo Yến