Hội thảo Công nghệ năng lượng hạt nhân trên thế giới

23/10/2015

Chiều tối 23/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Tập đoàn GE Hitachi Việt Nam tổ chức Hội thảo về Công nghệ năng lượng hạt nhân trên thế giới. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo còn có các đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý hạt nhân trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ, các bộ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan đến phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình như Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu từ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

Triển khai Kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Tập đoàn GE Hitachi Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm nghe giới thiệu và tìm hiểu về công nghệ điện hạt nhân tại Hoa Kỳ; kỹ thuật cơ bản lò nước sôi (BWR) và lò nước áp lực (PWR); công nghệ thụ động của các loại lò phản ứng.

Đây là những thông tin cập nhật trên thế giới về công nghệ và các biện pháp an toàn trong việc chuẩn bị và xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần thiết cho các đại biểu Quốc hội tham khảo để lựa chọn công nghệ lò phản ứng sau này.

Trao đổi kinh nghiệm tại hội thảo, chuyên gia cho biết xu hướng trên thế giới hiện nay chủ yếu sử dụng công nghệ lò nước sôi (BWR) và lò nước áp lực (PWR) bởi đây là công nghệ an toàn hàng đầu, sự đơn giản hóa trong thiết kế lò giúp cho việc vận hành an toàn và tiện ích hơn. Đồng thời, sự đa dạng trong công nghệ đã được chứng minh là đảm bảo nguồn điện tin cây với giá cả cạnh tranh. Công nghệ lò nước sôi (BWR) lò ESBWR là công nghệ an toàn nhất hiện nay đang được ứng dụng tại một số dự án điện hạt nhân mới tại Mỹ và được áp dụng chủ yếu tại Bắc Âu- nơi yêu cầu an toàn được đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia cũng cho biết, tại Hoa Kỳ hiện nay có 99 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động với thời hạn vận hành theo quy định của pháp luật của các lò hạt nhân là 80 năm và có thể được gia hạn vận hành thêm 20 năm, gia tăng từ 40 đến 60 năm.

Đánh giá cao những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế, khẳng định trình độ công nghệ điện hạt nhân của Hoa Kỳ, các đại biểu cho biết việc triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam với yêu cầu vận hành an toàn, khai thác hiệu quả vào năm 2020. Dự án có tổng công suất hai nhà máy trên 4000MW. Công nghệ chính được lựa chọn là công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Do đó, các đại biểu ghi nhận những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo sẽ góp phần vào việc lựa chọn công nghệ, ứng dụng triển khai năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bảo Yến