HÌNH ẢNH ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

17/04/2020

Sáng ngày 17/4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, Ủy ban thẩm tra và các đại biểu tham dự nhất trí với sự cần thiết sửa đổi hiện hành với lý do hoàn thoàn thuyết phục của cơ quan soạn thảo; tán thành đề xuất đổi tên dự án Luật là Luật Bảo vệ môi trường; việc đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách chưa được toàn diện, có nhóm chính sách cần được đánh giá cụ thể hơn nữa.

Về một số nội dung liên quan đến nhóm chính sách mới của Dự luật, đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể hơn nữa; một số nội dung cần cân nhắc thêm khi quy định vào trong luật. Đồng thời các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp; sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng; tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc phiên họp

Báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đã có nhiều thay đổi, đặt ra những yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường, phù hợp với đường lối, chủ trưởng của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh báo cáo một số ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 

Theo Phó Chủ nhiệm Trần Văn Minh, Ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi hiện hành với lý do hoàn thoàn thuyết phục của cơ quan soạn thảo; tán thành đề xuất đổi tên dự án Luật là Luật Bảo vệ môi trường; tuy nhiên việc đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách chưa được toàn diện, có nhóm chính sách còn đánh giá khá đơn giản, chưa được cụ thể. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà phát biểu góp ý dự án Luật tại phiên họp

 Về một số nội dung liên quan đến nhóm chính sách mới của Dự luật, các đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể hơn nữa; một số nội dung cần cân nhắc thêm khi quy định vào trong luật. Đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp; sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng; tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng Bùi Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như ý kiến của các ĐBQH tại phiên họp

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, Thường trực Ủy ban đánh giá cao sự nỗ lực của Cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật tương đối đầy đủ, công phu, đủ điều kiện để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 4. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý xác đáng, sâu sắc của các đại biểu, đảm bảo xây dựng một dự án Luật có tính khả thi cao khi đi vào cuộc sống./.

Trọng Quỳnh