ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO DỰ ÁN LUẬT CHĂN NUÔI

14/09/2018

Ngày 14/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa hoc, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Chăn nuôi. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện cơ quan soạn thảo- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một số tỉnh/ thành phố; các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm về lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta nói chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao nên việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và phát huy lợi thế của từng vùng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh, do đó, cần ban hành Luật Chăn nuôi để quản lý, phát triển bền vững của ngành theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trườn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, hội thảo hôm nay có sự tham dự của đông đảo các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các viện, trường và doanh nghiệp, do đó, Ủy ban rất mong muốn nhận được ý kiến góp ý sâu sắc của các vị đại biểu tham dự vào các nội dung được quy định trong Dự thảo Luật Chăn nuôi để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Chăn nuôi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Đức Tiến giưới thiệu một số nội dung tiếp thu, chỉnh lý

Giới thiệu những nội dung tiếp thu, chỉnh lý của Dự án Luật chăn nuôi tại bản Dự thảo lần thứ 06, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Đức Tiến cho biết, Dư luật đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số ý kiến trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tại phiên họp thứ 26. Sau khi chỉnh sửa, bản Dự thảo Luật lần thứ 6 này gồm 07 chương 82 điều, giảm 01 chương, tăng 17 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp 5. Cụ thể về sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi Điều 18, Dự thảo Luật đã quy định tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi đáp ứng các yêu cầu đối với sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường Đồng thời, quy định điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất giống tương ứng với từng phẩm cấp để quản lý một cách có hệ thống, sử dụng có hiệu quả từng loại giống phù hợp với xu thế của khu vực và quốc tế.

Về thức ăn chăn nuôi, Phó Chủ nhiệm Phùng Đức Tiến chỉ rõ, Dự thảo Luật quy định thức ăn thương mại phải có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; phải được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện; phải được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (Điều 32) với trình tự, thủ tục công bố được quy định rõ ràng, phù hợp với đặc thù và yêu cầu quản lý của từng loại thức ăn chăn nuôi: đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, bổ sung, thức ăn truyền thống và nguyên liệu đơn. Do đó, Dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các nội dung về xử lý chất thải chăn nuôi; chăn nuôi động vật khác; đối xử nhân đạo với vật nuôi; chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi...cũng được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Thảo luận tại hội thảo,các đại biểu đánh giá, Dự thảo lần thứ 6 này đã tiếp thu, chỉnh lý tương đối tốt so với các lần trước; nhiều khái niện được giải thích cụ thể hơn; bố cục các chương, điều hợp lý hơn; những nội dung cụ thể của Dự luật đước thiết kế sâu sắc hơn. Tuy nhiên đi vào những vấn đề cụ thể, một số đại biểu đề nghị trong phần giải thích từ ngữ, cơ quan soạn thảo cần định nghĩa về “gia cầm”, “giống gốc” “giống vật nuôi mới”, “dòng thuần” một cách rõ ràng, chính xác hơn; nên tập trung các khái niệm cần định nghĩa vào một điều, không nên rải rác, tản mạn trong toàn bộ Dự thảo luật.

Các đại biểu chỉ rõ, trong nội dung về quy mô chăn nuôi, Dự luật có quy định quy mô trang trại chăn nuôi: Trang trại chăn nuôi quy mô lớn là hình thức chăn nuôi tập trung có quy mô trên 600 đơn vị vật nuôi; Trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ: nuôi từ 6 đơn vị vật nuôi đến 600 đơn vị vật nuôi. Quy mô chăn nuôi nông hộ: nuôi nhỏ hơn 6 đơn vị vật nuôi. Theo các đại biểu, quy định như này chưa hoàn toàn phù hợp đối với thực tiễn, khó khà thi khi áp dụng; hơn nữa đối với một số loài đặc biệt như con ong thì sẽ không thể xác định quy mô trên đơn vị vật nuôi là số lượng con, mà đơn vị tính là số lượng đàn ong.

Ngoài ra, nhiều nội dung về mật độ chăn nuôi; điều kiện cơ sở chăn nuôi; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ...cũng được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Chăn nuôi của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban khẳng định, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu một cách tối đa, nghiêm túc những ý kiến góp ý xác đáng tại hội thảo để hoàn thiện Dự thảo Luật; đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao khi dự Luật được thông qua./.

Hồ Hương