Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật đường sắt (sửa đổi)

08/09/2016

Sáng 8/9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật đường sắt (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông chủ trì phiên họp.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật đường sắt (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Luật đường sắt 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2005. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Tuy nhiên, qua thực tế thi hành, Luật đường sắt 2005 đã bộc lộ một số tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 17 Luật, pháp lệnh trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật đường sắt 2005.  

Hơn nữa, một số quy định của Luật đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được ban hành trong văn bản dưới luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực hiện như: Phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt; nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu; hướng dẫn thực hiện tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt. Bên cạnh đó, các nội dung được quy định trong Luật đường sắt 2005 cần phải bổ sung phù hợp với thực tiễn như: Ưu đãi trong hoạt động đường sắt; nội dung công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; về công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ…

Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều (thêm 1 chương, giảm 19 điều so với Luật hiện hành). Ngoài những quy định chung, dự án Luật đường sắt sửa đổi quy định về: Kết cấu hạ tầng đường sắt; Công nghiệp đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt; Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; Tín hiệu, quy tắc giao thông và trật tự an toàn giao thông vận tải đường sắt; Kinh doanh đường sắt; Đường sắt đô thị; Đường sắt tốc độ cao.

Thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy việc sửa đổi Luật đường sắt là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn. Việc sửa đổi Luật là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng ngày càng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam phát triển xứng tầm với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thảo luận tại phiên họp, hầu hết các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật đường sắt 2005, để đáp ứng với thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, Ban soạn thảo tiếp tục so sánh, đối chiếu với các Luật liên quan để đảm bảo dự thảo Luật phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật.

Về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, các đại biểu nhất trí với các ưu đãi, hỗ trợ được quy định trong điều 6 của dự thảo Luật, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động đường sắt để góp phần khắc phục tình trạng lạc hậu hiện nay trong ngành đường sắt. Một số đại biểu đề nghị bổ sung một số ưu đãi, hỗ trợ khác như được quy hoạch, cấp tài nguyên mạng viễn thông quốc gia, dải tần vô tuyến điện, quỹ số thoại… Dự thảo Luật cũng cần quy định có tính nguyên tắc về điều kiện được ưu đãi.

Về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt, nhiều đại biểu đề nghị trong Luật cần phải thể hiện nội dung về quy hoạch phát triển giao thông đường sắt quốc gia phải gắn kết chặt chẽ và tạo nên sự đồng bộ với quy hoạch phát triển của các ngành vận tải khác, trong đó đường sắt giữ vai trò là các dòng vận tải chủ đạo trên trục chiến lược, trên các hành lang kinh tế trọng điểm và trên các đầu mối giao thông lớn. Đồng thời, bổ sung việc chú trọng xây dựng nhà ga đường sắt, đặc biệt là kiến tạo nên các ga trung chuyển để thực sự trở thành các đầu mối vận tải đa phương thức trong vận tải hàng hóa, vận tải hành khách.

Dự án Luật đường sắt sửa đổi đã bổ sung một số quy định mới và sửa đổi những quy định không còn phù hợp của Luật đường sắt 2005. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào Dự thảo Luật những nội dung đã được quy định trong các văn bản dưới luật, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Đặng Mai