UỶ BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI VIETSOPETRO

30/07/2019

Tiếp tục hoạt động giám sát về việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm, ngày 30/7, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội do Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Liên doanh Việt Nga - Vietsopetro, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trao đổi với Đoàn giám sát, đại diện Vietsopetro kiến nghị xem xét sự liên kết trong văn bản pháp luật giữa các lĩnh vực, tránh chồng chéo. Bởi hiện nay các văn bản liên quan đến Luật Khoáng sản đang có sự mâu thuẫn trong việc phân định xem dầu khí có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản hay không? Thêm vào đó, để quản lý chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý, có 2 luật khác nhau cùng quy định về Chương trình quan trắc nước thải sau Hệ thống xử lý nước thải: Luật Bảo vệ Môi trường quy định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Luật Tài nguyên nước quy định trong Giấy phép xả thải.

Một khó khăn khắc khi doanh nghiệp thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này mới ban hành ngày 13/5/2019, có hiệu lực từ 01/7/2019 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường) có một số quy định mới gây khó khắc cho doanh nghiệp… Đại diện Vietsopetro cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm triển khai việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đặc biệt, đối với thủ tục liên quan hoạt động nhận chìm ngoài biển chất thải nạo vét của các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị kiến nghị: chỉ những dự án nạo vét luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa từ 200.000 m3/năm trở lên mới phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM); đưa tất cả báo cáo ĐTM của các dự án nạo vét thực hiện tại địa phương về cho Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương thẩm định và phê duyệt, không phải trình lên Bộ tài nguyên môi trường; có chính sách ưu tiên cho các công trình là dự án trọng điểm của ngành dầu khí và của Quốc gia được thực hiện nghĩa vụ xin phép đổ bùn thải nạo vét cảng tại khu quy hoạch ngoài khơi của địa phương mà dự án hoạt động, đồng thời nộp phí tài chính cho UBND địa phương đó; xem xét giảm thời gian cấp phép nhận chìm bùn nạo vét và thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để nhận chìm bùn nạo vét.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, sau khi làm việc cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ tổng hợp vào báo cáo chung để tiến tới làm việc cùng các bộ, ngành có liên quan. Những kiến nghị của đơn vị sẽ được Đoàn tổng hợp phản ánh để cùng các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh./.

Vũ Thạch