Hội thảo Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo

01/07/2016

Ngày 01/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển trong giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” tổ chức Hội thảo Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tới dự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội thảo                                         Ảnh: Đình Nam

Tham dự Hội thảo còn có: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh và 150 đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương, các bộ ngành, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Đảng và Nhà nước xác định phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để phát triển khoa học và công nghệ. Mặc dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực rất lớn, hàng năm Nhà nước dành gần 2% ngân sách chi cho khoa học và công nghệ, khẳng định sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện chính sách đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật trong cả nước tiềm lực khoa học công nghệ đã được tăng cường. Khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong quá trình phát triển khoa học công nghệ, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là ngành đặc biệt quan trọng được coi là khâu then chốt; nhiều định hướng và chiến lược của Đảng và Nhà nước được ban hành nhằm ưu tiên từng bước cho phát triển và đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ khí chế tạo chưa đóng vai trò là nền tảng, chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển, chưa có công nghệ hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước, chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ Việt Nam về cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn chậm phát triển, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế nhất là linh kiện, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao, việc cung ứng nguyên vật liệu còn yếu. Các doanh nghiệp FDI mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp trong nước để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng rất khó để tìm được các nhà cung cấp phù hợp. Nhiều chính sách trong ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn do quá trình triển khai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã bước sang giai đoạn thứ 4 nhưng trình độ khoa học công nghệ của nước ta còn thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; năng lực sáng tạo, công nghệ mới còn hạn chế; ngành kinh tế chế tạo và công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mong mỏi của nhân dân. Thách thức lớn nhất trong phát triển kinh tế- xã hội của nước ta hiện nay là yếu kém của chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng tụt hậu so với các nước trong khu vực và khó có thể sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Điều này đòi hỏi khoa học- công nghệ, ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ phải góp phần quan trọng hơn nữa trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát Phan Xuân Dũng cho biết, theo số liệu báo cáo của Hiệp hội ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội, tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ bé, tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp chế tạo ô tô mới chỉ đạt 5%- 20%, điện tử đạt từ 5%- 10%, da giày, dệt may chiếm khoảng 30%, công nghệ cao mới chỉ đạt 2%. Như vậy, cơ khí chế tạo cũng như công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đúng tiềm năng vốn có.

Với thực trạng hiện nay, Hội thảo nhằm tìm ra nguyên nhân là do đâu? Do cơ chế? chính sách? do nhận thức hay do tổ chức thực hiện? Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, đây là những vấn đề lớn cần nghiêm túc thảo luận để từ đó có những giải pháp mạnh mẽ phù hợp tạo đà bứt phá cho sự phát triển cho các doanh nghiệp góp phần tích cực thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe báo cáo của Bộ Công thương đánh giá hiện trạng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo của Việt Nam, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Hội thảo cũng dành thời gian cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp trao đổi thảo luận, đưa ra các kiến nghị đề xuất nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Bảo Yến