Văn kiện Quốc hội toàn tập - Tập VI

07/12/2010

 

Xem chi tiết quyển 1

Xem chi tiết quyển 2


LỜI GIỚI THIỆU TẬP 6

Quốc hội khóa VII (1981-1987) hoạt động trong bối cảnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn “tiền đổi mới”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết một lòng, kiên trì phấn đấu thực hiện các mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng đề ra và đã đạt được những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Tuy vậy, đất nước ta cũng đứng trước vô vàn khó khăn, phức tạp. Trong khi hậu quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa được khắc phục xong, nhân dân ta lại phải tập trung giải quyết hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Các thế lực thù địch ráo riết bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội ở nước ta được xây dựng trong điều kiện điểm xuất phát thấp, kinh tế chậm phát triển, sản xuất trì trệ, khủng hoảng trầm trọng, kéo dài. Mặc dù đã giành được những thành tựu, nhưng chúng ta cũng mắc phải những sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, chỉ chú trọng công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 1981-1985 không đạt được, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng ta đã có những quyết sách, bước đi phù hợp với yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V (từ ngày 10 đến ngày 17-6-1985) về đổi mới mạnh mẽ chính sách giá - lương - tiền và cơ chế quản lý kinh tế, thể hiện sự chuyển hướng to lớn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là: dứt khoát xóa bỏ quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, đường lối đổi mới đất nước một cách toàn diện, sâu sắc và triệt để do Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đã thúc đẩy sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên, giành những thắng lợi to lớn.

Trong bối cảnh lịch sử nói trên, Quốc hội khóa VII hoạt động theo Hiến pháp năm 1980 đã hoàn thành tốt công tác lập pháp; quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, các mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa; đẩy mạnh hoạt động giám sát, v.v., nhằm phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thảo luận, tán thành các biện pháp cấp bách của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời đề xuất một số biện pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề giá - lương - tiền, cổ vũ nhân dân cả nước đẩy mạnh lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo phù hợp với các quy luật khách quan trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tại 12 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa VII, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm từ năm 1982 đến năm 1987; phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước từ năm 1980 đến năm 1985... và thông qua các nghị quyết về một số vấn đề quan trọng khác.

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thảo luận, thông qua 10 luật, bộ luật: Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật nghĩa vụ quân sự, Bộ luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình.

Trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Nhà nước đã xem xét, thông qua 15 Pháp lệnh: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Sắc lệnh 58/SL ngày 6-6-1947, đặt ba thứ Huân chương: Sao Vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập; Pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước; Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; Pháp lệnh bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; Pháp lệnh về thuế nông nghiệp; Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia; Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, v.v..

Tập 6, Văn kiện Quốc hội toàn tập bao gồm các văn kiện của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và một số báo cáo chính của Hội đồng Bộ trưởng trình tại các kỳ họp của Quốc hội khóa VII.

Nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa VII kéo dài 6 năm, 12 kỳ họp nên khối lượng văn kiện của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước… khá nhiều, vì vậy Tập 6 được in thành hai quyển (quyển 1 và quyển 2).

Cách bố cục, sắp xếp văn kiện và nội dung các Bản chú thích, Bản chỉ dẫn tên người trong Tập 6 cũng giống như năm tập đã được ấn hành. Vì khối lượng các tham luận trình bày tại các kỳ họp của Quốc hội khá nhiều nên sau phần các văn kiện của mỗi kỳ họp đều có đăng bản Danh mục các tham luận của đại biểu Quốc hội trình bày trước Quốc hội. Phần Phụ lục in ở cuối quyển 2 đăng một số tài liệu cần thiết và hai bản Danh mục Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng: phong tặng Huân chương, tuyên dương anh hùng; về công tác tư pháp: bác đơn hoặc ân giảm tội tử hình.

Trong quá trình biên soạn và xuất bản Tập 6, Văn kiện Quốc hội toàn tập, các cán bộ nghiên cứu và nghiệp vụ của Văn phòng Quốc hội; Trung tâm Lưu trữ quốc gia III; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; Viện Sử học Việt Nam và một số nhà khoa học đã có nhiều cố gắng trong việc sưu tầm, phân loại, thẩm định và biên tập văn kiện. Song, với một khối lượng lớn tài liệu, tập sách khó tránh khỏi sơ suất, thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để có sự chỉnh lý cần thiết và biên tập đạt yêu cầu cao hơn cho các tập văn kiện Quốc hội tiếp theo.

Xin trân trọng giới thiệu tập sách cùng bạn đọc.

Tháng 9 năm 2009

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA

 

 

Nguồn: (Văn phòng Quốc hội)