Văn kiện Quốc hội toàn tập - Tập VII

30/06/2011

Xem chi tiết quyển 1

Xem chi tiết quyển 2

Xem chi tiết quyển 3

LỜI GIỚI THIỆU

Quốc hội khóa VIII (1987-1992) hoạt động trong bối cảnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã và đang giành được những thành tựu quan trọng. Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đề ra và được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) tổng kết và khẳng định tiếp tục, đất nước ta đã có nhiều thay đổi, phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nền kinh tế có những tiến bộ rõ rệt về sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, phải nhập khẩu gạo, chúng ta đã vươn lên đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và cải thiện cán cân xuất - nhập khẩu. Hàng tiêu dùng tương đối dồi dào, đa dạng và lưu thông thuận lợi. Kinh tế đối ngoại phát triển nhanh. Kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã bước đầu hình thành. Nguồn lực sản xuất của xã hội được huy động tốt hơn, tốc độ lạm phát được kiềm chế. Quyền dân chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Quốc phòng và an ninh quốc gia được bảo đảm. Quan hệ quốc tế được mở rộng, tạo ra môi trường thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đất nước ta vẫn đứng trước những khó khăn rất lớn, chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết, tình trạng vi phạm dân chủ vẫn còn nhiều…

Trong bối cảnh nói trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa VIII đã từng bước đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động và có những đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới chung của đất nước.

Về công tác lập pháp: Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Đây là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất của Nhà nước ta, nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộiChiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới.

Quốc hội còn thông qua 31 luật, bộ luật: Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hàng hải, Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật đất đai, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, v.v. và 60 Nghị quyết.

Trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Nhà nước đã xem xét, thông qua 43 pháp lệnh như: Pháp lệnh về lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh về kế toán và thống kê, Pháp lệnh về lao động công ích, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân, v.v..

Về công tác giám sát: Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội được cải tiến một bước. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát để xây dựng các bản thuyết trình tại các kỳ họp Quốc hội và đề xuất kiến nghị trình Hội đồng Nhà nước.

Về công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Quốc hội đã xem xét, quyết định 2 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990 và 1991-1995; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm từ năm 1988 đến năm 1992; phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước từ năm 1986 đến năm 1990 và thông qua các Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng khác.

Tập 7, Văn kiện Quốc hội toàn tập bao gồm các văn kiện của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và một số báo cáo chính của Hội đồng Bộ trưởng trình tại 11 kỳ họp của Quốc hội khóa VIII. Do khối lượng văn kiện khá nhiều nên cũng giống như Tập 6, Tập 7 được in thành 3 quyển.

Cách bố cục, trình tự sắp xếp văn kiện của Tập 7 cũng giống như các tập Văn kiện đã ấn hành. Phần Phụ lục đăng một số văn kiện cần thiết và 2 bản Danh mục Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng: phong tặng Huân chương, tuyên dương anh hùng; về công tác tư pháp: bác đơn hoặc ân giảm án tử hình và Bản chú thích, Bản chỉ dẫn tên người được in ở cuối quyển 3.

Trong quá trình chuẩn bị xuất bản Tập 7, Văn kiện Quốc hội toàn tập, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng xuất bản Văn kiện Quốc hội toàn tập, Ban xây dựng bản thảo, Văn phòng Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Viện Sử học Việt Nam và một số cơ quan hữu quan, một số chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp, cộng tác chặt chẽ để sưu tầm, lựa chọn, thẩm định, biên tập văn kiện, tài liệu. Tuy nhiên, với một khối lượng lớn tài liệu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, tập sách này khó tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, rất mong nhận được sự góp ý của các cán bộ nghiên cứu và bạn đọc.

Xin trân trọng giới thiệu tập sách cùng bạn đọc.

Tháng 8 năm 2010

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA

Xem chi tiết quyển 1

Xem chi tiết quyển 2

Xem chi tiết quyển 3

 

Nguồn: (Nguồn: Văn phòng Quốc hội)