VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

LỜI TUYÊN BỐ1
CỦA HỘI NGHỊ LIÊN TỊCH BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VỀ VIỆC ĐÒI HỌP LẠI HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ

 

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết là thắng lợi to lớn của nhân dân Đông Dương, thắng lợi to lớn của hòa bình thế giới. Nó đã chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc ở Đông Dương, công nhận các quyền dân tộc của nhân dân ba nước Việt Nam, Cao Miên2, Lào, làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng.

Nhân dân thế giới và các Chính phủ yêu chuộng hòa bình đều mong muốn Hiệp định Giơnevơ được thi hành triệt để.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tha thiết với hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc, luôn luôn vì hòa bình, an ninh thế giới đã và đang thi hành đúng đắn mọi điều khoản của Hiệp định Giơnevơ.

Nhưng, đế quốc Mỹ cố tình can thiệp vào miền Nam Việt Nam và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam theo lệnh của Mỹ, ngày càng vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách trắng trợn.

Chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt bớ, tra tấn, tàn sát, trả thù những người trước đây tham gia kháng chiến, những người yêu nước, yêu hòa bình, đã bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam; họ còn xâm phạm đến cả cơ quan của Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam và cản trở Uỷ ban quốc tế hoạt động v.v..

Họ cự tuyệt những đề nghị chính đáng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc:

- Lập lại quan hệ bình thường Nam - Bắc;

- Mở hiệp thương bàn về tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà. Đồng thời, họ đã có chủ trương ngược lại, như:

- Bầy ra vụ “trưng cầu dân ý” tháng 10-1955;

- Đương chuẩn bị tuyển cử riêng rẽ ở miền Nam, hòng biến miền Nam nước ta thành một quốc gia riêng biệt;

- Thi hành chính sách độc tài phát xít ở miền Nam, thiết lập chế độ trại tập trung theo kiểu Hítle để đàn áp nhân dân.

Đi đôi với những hành động trắng trợn kể trên, họ đã đưa thêm nhiều vũ khí và nhân viên quân sự Mỹ vào miền Nam Việt Nam, ra sức tăng cường lực lượng quân sự và tuyên truyền Bắc tiến.

Những hành động vi phạm Hiệp định Giơnevơ của chính quyền Ngô Đình Diệm đều nằm trong âm mưu của đế quốc Mỹ nhằm trường kỳ chia cắt nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ, đưa miền Nam vào khối xâm lược Đông Nam Á, gây lại chiến tranh.

Biết bao xương máu của nhân dân Việt Nam, Cao Miên, Lào đã đổ ra trong 8, 9 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng để đi đến Hiệp định Giơnevơ. Biết bao công sức của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã góp vào mới có thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ. Nhân dân Việt Nam, được nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ, quyết đấu tranh cho Hiệp định Giơnevơ được tôn trọng và thi hành đúng đắn.

Hội nghị liên tịch Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp ngày 24, 25-2-1956 tại Thủ đô Hà Nội hoàn toàn tán thành và ủng hộ bức Công hàm của Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 14-2-1956 gửi hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954, yêu cầu triệu tập lại Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Đông Dương, có 3 nước trong Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát tham gia, để quyết định biện pháp đảm bảo thực hiện đúng đắn Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Hội nghị nhận rằng: Chủ trương họp lại Hội nghị Giơnevơ là một biện pháp đúng và cần thiết hợp với tình hình hiện tại, hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, hợp với đường lối bảo vệ hòa bình thế giới.

Hội nghị hoan nghênh Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Nhân dân Ba Lan, Chính phủ Liên Xô đã tuyên bố sẵn sàng họp lại Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Đông Dương, hoan nghênh dư luận ở Ấn Độ và ở nhiều nước khác tán thành họp lại Hội nghị Giơnevơ.

Hội nghị mong rằng các nước hữu quan đã góp sức trong việc lập lại hòa bình ở Đông Dương sẽ cố gắng làm cho Hội nghị Giơnevơ được triệu tập lại. Nước Pháp là một bên đã ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 có trách nhiệm tôn trọng chữ ký của mình.

Hội nghị kêu gọi nhân dân Pháp, nhân dân Đông Nam Á và toàn thể nhân dân thế giới ủng hộ chủ trương của nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đòi cho Hội nghị Giơnevơ được họp lại để duy trì hòa bình chung.

Nhân dân Việt Nam trước sau như một, kiên quyết thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh cho thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ và bằng phương pháp hòa bình.

Đòi họp lại Hội nghị Giơnevơ chính là tiếp tục thực hiện đường lối hòa bình trước sau như một đó.

Hội nghị kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam trong nước cũng như ở ngoài nước hãy tích cực đấu tranh cho Hội nghị Giơnevơ được họp lại.

Đồng bào miền Bắc ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1956 để củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đồng bào miền Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng bất khuất, tẩy chay trò hề tuyển cử riêng rẽ, chống chế độ trại tập trung giết người của Mỹ - Diệm, đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi hàng ngày, phản đối lập căn cứ quân sự và đưa vũ khí, nhân viên quân sự ngoại quốc vào miền Nam.

Kiều bào ở nước ngoài hưởng ứng cuộc đấu tranh trong nước, tích cực hoạt động tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân rộng rãi trên thế giới.

Toàn thể đồng bào hãy đòi các nhà cầm quyền miền Nam lập lại quan hệ bình thường Bắc - Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống nhất nước nhà.

Toàn thể đồng bào tập hợp xung quanh bản Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm cho đường lối của bản Cương lĩnh được phổ biến sâu rộng và biến bản Cương lĩnh thành hành động tích cực của mọi người trong việc thực hiện những nhiệm vụ trước mắt.

Đòi họp lại Hội nghị Giơnevơ là một biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta đặng củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước.

Trong cuộc đấu tranh ấy, nhân dân ta còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được thi hành, hòa bình được lập lại, Hồ Chủ tịch trong lời kêu gọi 19-12-1954, đã nói:
“… So với đấu tranh vũ trang trong kháng chiến, thì đấu tranh chính trị trong hòa bình cũng phải trường kỳ và gian khổ, và còn gay go, phức tạp hơn”.

Ngày nay, càng thấm thía lời dạy của Hồ Chủ tịch, nhân dân ta càng bền bỉ, dẻo dai, khắc phục mọi trở lực, kiên quyết đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh.

Thắng lợi cuối cùng nhất định về nhân dân Việt Nam.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Bản gốc không ghi rõ ngày, tháng (BT).

2. Campuchia (BT).