QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


QUỐC HỘI VIỆT NAM VỚI CÁC DIỄN ĐÀN
NGHỊ VIỆN ĐA PHƯƠNG
*

Nguyễn Chí Dũng**

Văn phòng Quốc hội

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thực hiện chủ trương đa dạng hoá và đa phương hoá các quan hệ đối ngoại, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội nước ta ngày càng được tăng cường, bổ sung vào những nỗ lực của ngoại giao Chính phủ và hoạt động đối ngoại của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội.

  Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam bao gồm các hoạt động hợp tác, hữu nghị song phương và hoạt động tại các diễn đàn liên nghị viện đa phương. Hiện nay, Quốc hội nước ta đã là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước ASEAN (AIPO), là thành viên sáng lập Diễn đàn nghị sĩ các nước Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF). Năm 1999, Quốc Hội nước ta vừa gia nhập Tổ chức Liên minh Nghị viện các nước Châu Á vì hoà bình (AAPP). Ngoài ra, Quốc hội nước ta còn là thành viên của Diễn đàn các nghị sĩ về dân số và phát triển (AFPPD), Tổ chức các nghị sĩ thày thuốc thế giới  (IMPO) và  Tổ chức Liên minh nghị sĩ Châu Á - Thái Bình Dương về bảo vệ môi trường và phát triển (APPCED). Quốc hội nước ta cũng giữ mối quan hệ thường xuyên với một số tổ chức liên nghị viện khác như: Nghị viện các nước Mỹ La tinh (LAP), Nghị viện Châu Âu (EP), Liên minh Nghị viện các nước Ả-rập (AIPU), Liên minh Nghị viện Châu Phi (UAP) và một số tổ chức nghị sĩ thế giới và khu vực khác.

Bài viết này nhằm khái quát với độc giả một số thông tin về diễn đàn nghị viện đa phương và hoạt động của Quốc hội nước ta tại một số diễn đàn này.

Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO)

Tại khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập qua Tuyên bố chung tại Băng Cốc ngày 8/8/67 (gọi là Tuyên bố Băng Cốc) với 5 nước thành viên sáng lập. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu trên thế giới, thì mô hình ASEAN là một mô hình liên kết chính phủ khu vực khá thành công.

Để hỗ trợ các cố  gắng ngoại giao của Chính phủ, Nghị viện 5 nước sáng lập viên ASEAN đã xúc tiến các cuộc thăm viếng ngoại giao để thành lập một cơ chế liên nghị viện của ASEAN . Từ 29/8 đến 2/9/1977 tại Manila, đại diện nghị viện 5 nước ASEAN đã thông qua Hiến chương khai sinh AIPO. Theo Hiến chương, thành viên AIPO phải là cơ quan đại diện do dân bầu để thực hiện chức năng cơ quan lập pháp của quốc gia và quốc gia đó phải là quốc gia thành viên ASEAN. Hiện nay, AIPO có 8 thành viên: Quốc hội Indonesia (1977); Quốc hội Malaysia (1977); Quốc hội Philippine (1977); Nghị viện Singapore (1977); Quốc hội Thái lan (1977); Quốc hội Việt Nam (tháng 9.1995); Quốc hội Lào (tháng 9.1997) và Nghị viện Vương quốc Căm pu chia (tháng 9 năm 1999). Hai thành viên khác của ASEAN chưa là thành viên AIPO vì chưa có nghị viện (Myanmar và Bruney Darusalam) và được thừa nhận vị trí là Quan sát viên đặc biệt.

Hàng năm, AIPO họp Đại hội đồng một lần vào tháng 9, tổ chức luân phiên tại các nước ASEAN theo thứ tự vần chữ cái tiếng Anh của tên mỗi nước. Nghị quyết và các vấn đề của AIPO được biểu quyết theo nguyên tắc đồng thuận. Ví dụ, nếu một quốc gia thành viên không tán thành đưa một vấn đề ra xem xét, thì vấn đề đó không được đưa vào chương trình. Chức chủ tịch AIPO cũng được chuyển luân phiên hàng năm theo thứ tự vòng chữ cái đầu tiếng Anh của các nước. Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch AIPO từ Thái lan vào tháng 9 năm 2001 và sẽ đăng cai tổ chức Đại hội đồng 23 tại Việt Nam vào tháng 8 hoặc 9 năm 2002.

Tham dự Đại hội đồng hàng năm của AIPO còn có đại diện quốc hội các nước quan sát viên và các nước đối thoại hợp tác với AIPO như: Canada, Nhật, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Tân Tây Lan, Nghị viện Châu Âu, Papua Tân Ghi-nê; Trung Quốc; Liên bang Nga. AIPO có Ban thư ký thường trực đặt trụ sở tại Indonesia. Theo điều lệ AIPO thì Quốc hội các nước thành viên thành lập Ban thư ký quốc gia. Hiện nay công việc của Ban thư ký quốc gia AIPO của Việt Nam do Văn phòng Quốc hội đảm nhiệm.

Từ khi chính thức là thành viên AIPO, Quốc hội ta đã tham gia tích cực các cuộc họp hàng năm và các hội nghị chuyên đề theo quyết định của Đại hội đồng. Tại các phiên họp Đại hội đồng, Đoàn Quốc hội nước ta đã tham dự các hoạt động của 5 Uỷ ban chuyên môn: Uỷ ban chính trị, Uỷ ban kinh tế, Uỷ ban xã hội, Uỷ ban tổ chức, Uỷ ban về đối thoại với các nước quan sát viên. Các vấn đề được thảo luận tại AIPO trong thời gian qua là những chủ đề được khu vực quan tâm như chống ma tuý, phát triển du lịch, hợp tác văn hoá, bản sắc dân tộc, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, nghiên cứu tiến tới hài hoà các luật thương mại trong khu vực v.v.. Ta đã nêu một số sáng kiến được AIPO hoan nghênh như: đề xuất cơ chế tham gia của các nữ nghị sĩ trong khuôn khổ AIPO, Hội thảo chuyên đề về công tác lập pháp trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực (tổ chức tại Hà Nội vào cuối Quý I năm 1999).

Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)

Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) được thành lập từ năm 1889 với mục tiêu tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa Nghị viện các nước trên thế giới, phấn đấu cho hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc; đẩy mạnh quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Nghị viện các nước. Hoạt động của IPU bao gồm việc xem xét những vấn đề quan tâm trên bình diện quốc tế, bày tỏ quan điểm và kêu gọi Nghị viện các nước cùng phối hợp hành động thực hiện các nghị quyết của Đại hội đồng; hợp tác với Liên hợp quốc, với  các cơ chế liên nghị viện, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Hiện nay có Nghị viện của 137 quốc gia là thành viên chính thức của IPU. IPU có trụ sở đóng tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. IPU họp mỗi năm 2 kỳ (vào mùa Xuân và mùa Thu) tại những quốc gia thành viên khác nhau theo nguyên tắc nhận đăng cai.

Quốc hội Việt Nam chính thức gia nhập IPU vào năm 1979. Ta đã tranh thủ diễn đàn rộng rãi và có uy tín này để triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước trên thế giới đối với công cuộc đổi mới và xây dựng nước nhà. Qua diễn đàn IPU, ta cũng đã thiết lập được quan hệ hữu nghị và hợp tác với Nghị viện của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trong khuôn khổ IPU, Đoàn Việt Nam đã tham gia các cơ chế như: Tổ chức nữ nghị sĩ, các phiên họp toàn thể thảo luận về tình hình  chính trị, an ninh quốc tế, Các uỷ ban chuyên đề (chuyên đề của mỗi hội nghị thay đổi theo quyết định của phiên họp toàn thể và tuỳ theo tính cấp bách của bối cảnh quốc tế), các cuộc gặp tư vấn của các cơ chế liên nghị viện khu vực mà Việt Nam là thành viên (Nhóm nghị viện ASEAN và Châu Á; nghị sĩ Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF).. .. Nghị quyết của IPU và các vấn đề nghị sự được biểu quyết theo nguyên tắc đa số, đa số 2/3 hoặc 3/4  tuỳ theo loại vấn đề. Số phiếu của mỗi quốc gia thành viên được ấn định theo số dân.

Song song với thời gian tổ chức các phiên họp IPU, Hội nghị của Hội Tổng thư ký Quốc hội các nước IPU cũng họp để trao đổi về các biện pháp tăng cường năng lực của Quốc hội, các vấn đề kỹ thuật, nội dung phục vụ nghị viện.

Diễn đàn các nghị sĩ Châu Á - Thái bình dương (APPF)

Quốc hội Việt Nam là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị sĩ Châu Á - Thái Bình Dương được thành lập năm 1992. Đây  là một cơ chế hợp tác mềm dẻo trong xu thế đối thoại hợp tác vì hoà bình, an ninh và phát triển vững bền tại khu vực nhiều biến động này. APPF còn là nỗ lực nghị viện hỗ trợ hợp tác kinh tế trong khuôn khổ APEC.

Diễn đàn APPF được tổ chức để các nghị sĩ của các nước trong khu vực xác định và thảo luận các vấn đề quan trọng và cấp bách của khu vực, trao đổi ý kiến, quan điểm về các vấn đề quốc tế, đánh giá tác động của sự tăng trưởng kinh tế và hội nhập khu vực và toàn cầu; khuyến khích và tăng cường hợp tác khu vực ở tất cả các cấp trong các lĩnh vực mà các quốc gia cùng quan tâm. Hội viên của APPF là các nghị sĩ của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. APPF có Ban chấp hành giúp triển khai các công việc giữa các kỳ họp và điều hành các cuộc họp tại diễn đàn này. Việt Nam được bầu vào Ban chấp hành APPF.

APPF  hoạt động theo các nguyên tắc: đối thoại thẳng thắn và xây dựng, tôn trọng các quan điểm của tất cả các thành viên tham dự và vai trò của các Chính phủ, cộng đồng giới kinh doanh, các tổ chức lao động, các viện nghiên cứu và các tổ chức khác. Trọng tâm các chủ đề hợp tác của APPF là: (a) Hợp tác, tiếp tục phát triển vì hoà bình, tự do, dân chủ và phồn vinh; (b) Chống độc quyền, tự do thương mại và đầu tư, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; (c) Các hợp tác phi quân sự nhằm bảo đảm hoà bình và an ninh trong khu vực. APPF chủ trương là đầu mối và diễn đàn duy trì quan hệ với các tổ chức trong khu vực và đảm bảo tự do thông tin giữa APPF và các tổ chức này cũng như giữa các thành viên APPF thông qua mạng thông tin điện tử APPF (hiện nay, Quốc hội nước ta chưa có trang thông tin điện tử  trong mạng APPF).

Hội nghị APPF thường có nội dung thảo luận rất rộng và đa dạng. Kết thúc của hội nghị thường có nhiều  nghị quyết về từng vấn đề và một bản Thông cáo chung tổng hợp các kết quả thảo luận. Những vấn đề gần đây nêu ra thảo luận tại diễn đàn này là: ổn định hệ thống tài chính và tiền tệ, Vấn đề  cam kết chung phòng ngừa và ngăn chặn sự thay đổi khí hậu trên thế giới; hợp tác chống ma tuý, tẩy rửa tiền, nạn khủng bố, tham nhũng; hợp tác đào tạo và giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; trao đổi văn hoá nghệ thuật giữa các nước thành viên; thiết lập mạng thông tin điện tử trên mạng Internet của các nghị viện thành viên APPF; thương mại điện tử và các biện pháp tăng cường tự do hoá thương mại.

Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF)

Liên minh quốc tế các nghị sĩ có sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) được thành lập từ năm 1967; tháng 7 năm 1998 đổi tên là Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF). Cũng như các cơ chế Liên minh Nghị viện khác, mục đích chính của APF là đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước thành viên; phấn đấu cho nền dân chủ và quyền con người; vì sự phát triển của Nhà nước pháp quyền trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp cũng như trên thế giới; phát triển văn hoá đa dạng của các dân tộc trong Cộng đồng.

Hiện nay APF có 56 Quốc hội thành viên thuộc Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Trung Đông và Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam gia nhập APF từ năm 1991. Phân ban APF của Việt Nam hiện được bầu vào Ban chấp hành và là Phó Chủ tịch của APF. Từ năm 1993, APF được công nhận là cơ quan tư vấn đặc biệt của Hội nghị Thượng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp.

APF có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các quan chức của Quốc hội các nước thành viên, tổ chức các hội thảo chuyên đề, các đoàn đi thăm, khảo sát tại các nước thành viên về các lĩnh vực lập pháp và giám sát. Chương trình PARDOC của APF là dự án tài trợ cho các nước thành viên xây dựng các trung tâm thông tin dữ liệu pháp luật và thư viện. Văn phòng Quốc hội nước ta cũng đang triển khai một vài hoạt động trong chương trình của PARDOC.

Hội nghị cấp cao 7 của Cộng đồng pháp ngữ tại Hà Nội (11/1997) đã xác nhận vai trò tư vấn của APF đối với cộng đồng Pháp ngữ. Với vai trò đó, APF có nhiều hoạt động thúc đẩy cơ quan hành pháp thực hiện Lời kêu gọi và Chương trình hành động Hà Nội, chuẩn bị những nội dung tư vấn tại các Hội nghị cấp cao của Cộng đồng pháp ngữ. Một số vấn đề mà APF đang quan tâm là vai trò của các nghị sĩ trên chính trường thế giới, ngăn ngừa và giải quyết xung đột, việc thực hiện các kết luận của Hội nghị cấp cao 7 Hà Nội; nâng cao và hiện đại hoá đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, xa lộ thông tin nghị viện Pháp ngữ, sự tham gia của các nghị sĩ của Cộng đồng vào quá trình dân chủ hoá , các chương trình hợp tác liên nghị viện, vấn đề chuyển giao công nghệ, quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế vùng Châu Phi nói tiếng Pháp...

Diễn đàn các nghị sĩ về dân số và phát triển Châu Á - Thái Bình Dương (AFPPD)

Diễn đàn này bao gồm 18 nước thành viên thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với mục đích trao đổi và phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ về dân số và phát triển. Quốc hội nước ta đã tham gia Diễn đàn này từ năm 1990 và là thành viên chính thức từ năm 1992. Tại các kỳ họp Ban chấp hành và Đại hội đồng cũng như một số hội nghị chuyên đề, Diễn đàn này trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các nghị sĩ về các vấn đề dân số và phát triển. Uỷ ban về các vấn đề xã hội được giao chủ trì hoạt động của Quốc hội nước ta trong Diễn đàn AFPPD.

Liên minh Nghị viện các nước Châu Á - Thái Bình Dương (APPU)

APPU được thành lập vào năm 1965. Hiện nay, APPU có 19 thành viên chính thức, trong đó có mở rộng thành viên tới các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Quốc hội nước ta hiện nay chưa quyết định là thành viên mà mới tham gia với tư cách là quan sát viên. Mục đích của tổ chức này là phấn đấu vì hoà bình, ổn định và phồn vinh. Mỗi năm, Tổ chức này họp một lần vào khoảng tháng 8 tại các quốc gia thành viên khác nhau. Hội nghị  thảo luận về các vấn đề khu vực, các vấn đề liên quan đến các quốc gia đảo nhỏ trong khu vực; phát triển hợp tác trong cộng đồng các quốc gia APPU; về thanh niên và văn hoá; về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em;  những tác động xã hội từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Châu Á...

Tổ chức nghị sĩ thày thuốc thế giới (IMPO)

Đây là một tổ chức nghề nghiệp của các thày thuốc là nghị sĩ trên thế giới. Quốc hội nước ta đã tham gia từ năm 1994. Tổ chức này thường có các hội nghị chuyên đề hàng năm và tổ chức họp Đại hội đồng 3 năm một lần. Nhóm đại biểu của Việt Nam thuộc lĩnh vực nghề nghiệp này đã tích cực tham gia hoạt động trong khuôn khổ IMPO và bước đầu mở rộng quan hệ trong cơ chế một tổ chức nghị sĩ theo nghề nghiệp.

Kết luận: Hoạt động của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn nghị viện đa phương đã được triển khai mạnh hơn, thực chất hơn. Các đại biểu Quốc hội thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn đã được huy động tham gia các diễn đàn đa phương để đóng góp nội dung vào kết quả của hội nghị và triển khai phổ biến, theo dõi thực hiện các nghị quyết của diễn đàn nghị viện đa phương tại quốc gia và khu vực. Hoạt động tại diễn đàn đa phương đã thực sự góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Nhà nước ta, thông tin tới bạn bè quốc tế về tình hình Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Để các hoạt động của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn đa phương, các tổ chức liên nghị viện có hiệu quả và thực chất, có một số vấn đề sau đây nên nghiên cứu và triển khai:

- Nghiên cứu đề xuất chủ trương chuẩn bị một số đại biểu nòng cốt hình thành “Nhóm đại biểu quốc gia” chuyên hoạt động cho từng diễn đàn, kết hợp với sử dụng đại biểu thuộc những lĩnh vực phù hợp với chuyên đề, lĩnh vực thảo luận.

- Bộ máy tham mưu giúp việc của Văn phòng Quốc hội cho mảng hoạt động tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức liên nghị viện cần chủ động nghiên cứu các chủ đề thảo luận, theo dõi các hoạt động giữa các hội nghị để cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên tới nhóm đại biểu nòng cốt.

- Cần có cơ chế thông tin tới các đại biểu Quốc hội về hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội. Hiện nay cơ chế thông tin này được thực hiện qua báo cáo của Uỷ ban đối ngoại mỗi năm một lần. Cơ chế này cần được duy trì và bổ sung thêm những thông tin về nghị quyết và các chủ đề nội dung tại các diễn đàn liên nghị viện. Trung tâm thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội và Vụ Đối ngoại nên nghiên cứu phối hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu về nghị quyết và những hoạt động của Quốc hội nước ta tại các tổ chức liên nghị viện và diễn đàn đa phương để làm nền tảng phục vụ tổ chức và cập nhật thông tin thường xuyên.

- Để thực hiện tuyên truyền đối ngoại và giữ liên hệ thường xuyên với Quốc hội các nước và các tổ chức liên nghị viện, Quốc hội nước ta cần xây dựng một trang Thông tin điện tử  trên Internet.

- Trong thời gian tới đây, Quốc Hội ta sẽ tiếp tục tham gia một cách chủ động hơn các diễn đàn quốc tế, với trọng tâm là AIPO, IPU, APF. Văn phòng Quốc hội cần tăng cường đội ngũ chuyên nghiên cứu, phục vụ mảng hoạt động quan trọng này, hoặc nếu không thể có đội ngũ chuyên thì cũng nên xây dựng một cơ chế phối hợp nghiên cứu giữa các bộ phận trong văn phòng hoặc cơ chế trưng tập lực lượng phục vụ từ các cơ quan khác, nhất là chuẩn bị trước mắt để tham mưu chuẩn bị cho việc Quốc hội nước ta giữ cương vị trọng trách Chủ tịch AIPO và đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPO vào năm 2002.


 

* Nghiên cứu Lập pháp, số 4/2000.

**Hiện là Cố vấn Chương trình, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội.

 

 

   
Về trang mục lục

Trở về đầu trang