VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996


TỜ TRÌNH
CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH
ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH MỘT SỐ TỈNH

(Do ông Phan Ngọc Tường, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ
Chính phủ đọc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 06-11-1996)

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), cả nước có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó ở miền Bắc có 28 tỉnh, thành phố và đặc khu, miền Nam có 44 tỉnh, thành phố. Quốc hội khóa V đã quyết nghị nhiều đợt sáp nhập tỉnh; cho đến năm 1978 cả nước còn 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tháng 12 năm 1978, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa V đã thông qua Nghị quyết chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Tháng 5 năm 1979, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa V đã thông qua Nghị quyết thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Tháng 6-1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; chia tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình; chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong toàn quốc năm 1989 là 44 tỉnh, thành phố, đặc khu.

Đến kỳ họp thứ 9, tháng 8 năm 1991, Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái; chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; chia tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum; chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình; thành lập thêm tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trên cơ sở sáp nhập ba huyện của tỉnh Đồng Nai với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; chuyển một số huyện ngoại thành Hà Nội về các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây (huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phú, các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây về tỉnh Hà Tây).

Tháng 12 năm 1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã quyết nghị chia tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; chia tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng; chia tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long; chia tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà, Ninh Bình.

Như vậy, từ năm 1991 đến nay, cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xem xét quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh mới chia, có thể đánh giá tổng quát như sau:

- Các tỉnh được chia tách đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, các mặt văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đều có những bước tiến bộ.

- Mỗi tỉnh đã thể hiện được tính thuần nhất tương đối về tự nhiên, xã hội, tâm lý, truyền thống và lịch sử, do đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội; tiềm năng của mỗi địa phương được khai thác có hiệu quả hơn; truyền thống tốt đẹp của địa phương được khôi phục và phát huy, góp phần vào việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

- Quy mô các tỉnh được chia phù hợp với trình độ quản lý của cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo tỉnh sát cơ sở, chỉ đạo công việc kịp thời; hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao.

- Tỉnh lỵ của các tỉnh mới từng bước được xây dựng và đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; động viên được cán bộ và nhân dân trong tỉnh phấn khởi thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, những tỉnh mới được chia tách không thể tránh khỏi khó khăn trong thời gian đầu do phải di chuyển địa điểm, ổn định trụ sở làm việc cho các cơ quan và ổn định nhà ở, việc làm cho gia đình cán bộ. Điều đó đòi hỏi phải có hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và sự đóng góp của các ngành, của cán bộ và nhân dân địa phương. Mặt khác, trong tổ chức chỉ đạo thực hiện còn những nhược điểm về cách làm và bước đi, nhất là chưa chuẩn bị tốt về công tác tư tưởng cho cán bộ và nhân dân. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ có nơi làm chưa tốt, thậm chí có tình trạng cục bộ, mất đoàn kết.

Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh rằng với quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền địa phương, những khó khăn nhược điểm trên đây được nhanh chóng khắc phục, tạo thuận lợi cho những bước phát triển mới.

Theo đề nghị của các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban nhân dân các địa phương và thể theo nguyện vọng của nhân dân, Bộ Chính trị có chủ trương điều chỉnh địa giới cấp tỉnh, tiếp tục chia một số tỉnh trước đây đã có dự kiến nhưng chưa thực hiện được, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các địa phương, tăng cường năng lực của từng đơn vị cấp tỉnh trong việc thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cải cách nền hành chính Nhà nước, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền cấp tỉnh, động viên cán bộ và nhân dân đoàn kết thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII -  kỳ họp thứ 10 tháng 12-1991 và dựa vào kết quả thực tế của việc chia tỉnh trong những năm qua, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh và nâng cấp một số đơn vị lên thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể như sau:

1. Tỉnh Bắc Thái:

Tỉnh Bắc Thái được sáp nhập từ hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Cạn năm 1965, có diện tích tự nhiên 8.336,64 km2, dân số 1.287.346 người.

Đề nghị chia tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh:

- Tỉnh Bắc Cạn có diện tích tự nhiên 4.795,54 km2, dân số 268.047 người (trong đó có cả diện tích và dân số của 10 xã thuộc huyện Phú Lương của tỉnh Bắc Thái, nay chuyển giao lại cho huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn quản lý), có 6 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Bắc Kạn, các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì (hai huyện Ngân Sơn, Ba Bể trước đây thuộc tỉnh Bắc Kạn, hiện do tỉnh Cao Bằng quản lý và đã có thỏa thuận của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chuyển giao lại cho tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bắc Kạn).

- Tỉnh Thái Nguyên có diện tích tự nhiên 3.541,10 km2, dân số 1.019.299 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, các huyện Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Thái Nguyên.

2. Tỉnh Hà Bắc:

Tỉnh Hà Bắc được sáp nhập năm 1962 từ hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 4.614,6 km2 và dân số 2.363.254 người.

Đề nghị chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh:

- Tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 3.816,7 km2 và dân số 1.441.044 người; gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Bắc Giang, các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bắc Giang.

- Tỉnh Bắc Ninh, có diện tích tự nhiên 797,2 km2 và dân số 922.210 người; gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Bắc Ninh, các huyện Quế Võ, Yên Phong, Tiên Sơn, Thuận Thành, Gia Lương. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bắc Ninh.

3. Tỉnh Hải Hưng:

Tỉnh Hải Hưng được sáp nhập năm 1968 từ hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, có diện tích tự nhiên 2.556,01 km2 và dân số 2.761.003 người, là tỉnh có diện tích và dân số lớn nhất đồng bằng Bắc bộ.

Đề nghị chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên:

- Tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.661,22 km2, dân số 1.685.486 người, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Hải Dương, các huyện Chí Linh, Nam Thanh, Kim Môn, Cẩm Bình, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.

- Tỉnh Hưng Yên có diện tích tự nhiên 894,79 km2, dân số 1.075.517 người, có 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Hưng Yên, các huyện Mỹ Văn, Châu Giang, Phù Tiên, Kim Động, Ân Thi. Tỉnh Lỵ đặt tại thị xã Hưng Yên.

4. Tỉnh Minh Hải:

Tỉnh Minh Hải được sáp nhập sau năm 1975 từ hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, có diện tích 7.689,37 km2, dân số 1.840.003 người.

Đề nghị chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau:

- Tỉnh Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.484,96 km2, dân số 772.078 người, có 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Bạc Liêu, các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bạc Liêu.

- Tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên 5.204,41 km2; dân số 1.067.925 người, có 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Cà Mau, các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cà Mau.

5. Tỉnh Nam Hà:

Tỉnh Nam Hà được tách ra từ năm 1991 sau khi chia tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Ninh Bình và Nam Hà, có diện tích tự nhiên 2.496,02 km2, dân số 2.702.900 người.

Đề nghị chia tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định:

- Tỉnh Hà Nam có diện tích tự nhiên 826,66 km2, dân số 804.800 người (không tính diện tích và dân số của 7 xã thuộc huyện Bình Lục sẽ được giao về tỉnh Nam Định quản lý); có 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Hà Nam, các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Phủ Lý (hiện tại là thị xã Hà Nam).

- Tỉnh Nam Định có diện tích tự nhiên 1.669,36 km2, dân số 1.898.100 người (trong đó có cả diện tích và dân số của 7 xã thuộc huyện Mỹ Lộc cũ đã sáp nhập vào huyện Bình Lục, nay chuyển giao lại cho tỉnh Nam Định quản lý); có 7 đơn vị hành chính cấp huyện: thành phố Nam Định, các huyện Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Ninh, Ý Yên, Vụ Bản. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Nam Định.

6. Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng:

Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có diện tích 11.348,8 km2, dân số 2.027.714 người. Là tỉnh lớn, bao gồm đồng bằng, miền núi và vùng biển, nếu tách ra sẽ tạo điều kiện cho hai đơn vị mới phát triển tốt hơn.

Đề nghị tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành: Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam:

- Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 942,46 km2, dân số 663.115 người; gồm ba đơn vị hành chính là thành phố Đà Nẵng hiện nay và hai huyện Hòa Vang, Hoàng Sa. Khi tách ra các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng sẽ được tổ chức lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý đô thị.

- Tỉnh Quảng Nam có diện tích tự nhiên 10.406,34 km2, và 1.364.599 người, gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện: Các thị xã Tam Kỳ, Hội An, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Núi Thành, Tiên Phước, Trà Mi, Phước Sơn, Giằng, Hiên. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Tam Kỳ.

7. Tỉnh Sông Bé:

Tỉnh Sông Bé được sáp nhập từ hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, vừa có miền núi, biên giới, vừa có đồng bằng và trung du, có diện tích 9.532,72 km2, dân số 1.177.874 người.

Đề nghị chia tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước:

- Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên 2.718.50 km2, dân số 646.317 người (có tính cả diện tích và dân số 4 xã của huyện Bình Long và 5 xã, 1 thị trấn của huyện Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước, nay giao lại cho tỉnh Bình Dương); gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một.

- Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên 6.814,22 km2, dân số 531.557 người (không tính diện tích và dân số của 9 xã và một thị trấn đã chuyển về Bình Dương); có 5 đơn vị hành chính cấp huyện: các huyện Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng, Bình Long. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Đồng Xoài (thuộc huyện Đồng Phú).

8. Tỉnh Vĩnh Phú:

Tỉnh Vĩnh Phú được sáp nhập năm 1968 từ hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, có diện tích tự nhiên 4.835,85 km2, dân số 2.328.471 người.

Đề nghị chia tỉnh Vĩnh Phú thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc:

- Tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3.465,12km2, và 1.261.949 người; gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Sông Thao, Yên Lập, Thanh Sơn, Tam Thanh, Phong Châu. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Việt Trì.

- Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.370,73 km2, dân số 1.066.522 người; gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Vĩnh Yên, các huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo, Mê Linh. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Vĩnh Yên.

9. Đổi tên tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương:

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay có diện tích tự nhiên 4.911,37 km2, dân số 1.001.081 người, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện là thành phố Huế, các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị đổi tên tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Một số căn cứ của kiến nghị này xin xem Phụ lục II.

Khi chuyển đổi thành thành phố Huế, các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố sẽ được tổ chức lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý đô thị.

Sau khi hoàn thành việc chia tách tỉnh đợt này, cả nước có 61 đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc tiếp tục điều chỉnh địa giới các tỉnh nhằm mục đích quản lý tốt hơn các vùng lãnh thổ, dân cư, để tất cả các tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay. Với việc phân chia địa giới đợt này, chúng ta đã và sẽ đi tới ổn định dần địa giới hành chính cấp tỉnh.

Sau khi được Quốc hội ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh nói trên, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo cụ thể việc phân chia ngân sách của từng tỉnh, phân chia tài sản, sắp xếp lại bộ máy và biên chế nhằm khắc phục những nhược điểm của các đợt chia tách trước đây, chống thất thoát tài sản, tiết kiệm ngân sách, đoàn kết nội bộ, phát huy hiệu quả của việc chia tỉnh, góp phần thực hiện tốt kế hoạch năm 1997.

Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội