VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ II

(Do ông Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký
Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình bày, ngày 29-4-1963)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tôi xin thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình bày bản báo cáo của Uỷ ban trước Quốc hội.

Trước hết tôi xin báo cáo về các hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian vừa qua.

Sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã về các địa phương, xí nghiệp, công trường, nông trường, đơn vị bộ đội, trường học, để báo cáo kết quả của kỳ họp Quốc hội, chủ yếu là báo cáo về việc Quốc hội thông qua Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp, và về việc Quốc hội đón tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến thăm Quốc hội nhân dịp Đoàn ra thăm miền Bắc.

Đồng bào ta nhiệt liệt hoan nghênh Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp, vì thấy rõ đạo luật này đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống của mình. Việc thông qua đạo luật này đánh dấu một bước quan trọng trên con đường củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, nó cụ thể hóa quyền nhân dân làm chủ đất nước đã được ghi trong Hiến pháp, nó phát huy chức năng quản lý kinh tế và văn hóa của các cơ quan dân cử, tạo điều kiện nâng cao tính tích cực và chủ động của các cơ quan chính quyền địa phương và nhất là của nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng làm cho đời sống của của nhân dân được cải thiện.

Nhân dân ta đặc biệt vui mừng và cảm động khi nghe báo cáo về việc Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc và đã đến thăm Quốc hội. Lần đầu tiên sau 8 năm đất nước bị chia cắt, đồng bào miền Bắc ta, Quốc hội ta được đón tiếp những người đại biểu của 14 triệu đồng bào miền Nam ruột thịt. Tất cả các thư phản ánh của đại biểu Quốc hội về Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều nói rằng cuộc đi thăm miền Bắc, thăm Quốc hội của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân dân miền Bắc, nó làm tăng thêm tình đoàn kết Bắc Nam gắn bó không sức gì có thể chia cắt được, nó làm cho đồng bào miền Bắc, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết càng thêm tin tưởng vững chắc ở sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ - Diệm để tự giải phóng của đồng bào miền Nam, nó cổ vũ đồng bào miền Bắc, cán bộ, và đồng bào miền Nam tập kết ra sức thi đua yêu nước xây dựng miền Bắc giàu mạnh làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh nhằm hòa bình thống nhất nước nhà.

Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội báo cáo, nhiều địa phương, đơn vị đã gửi thư, kiến nghị về Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh kết quả của kỳ họp Quốc hội, hoan nghênh Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp, nhờ chuyển lời chào thân ái đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hứa quyết tâm thi đua thực hiện tốt kế hoạch nhà nước, quyết tâm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm của miền Nam ruột thịt.

Ngoài việc báo cáo trước nhân dân về kết quả kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với nhân dân ở địa phương, tham gia các cuộc Hội nghị Hội đồng nhân dân ở địa phương. Nhiều đại biểu đã tham gia việc gặt hái, chống hạn ở địa phương. Các đại biểu đã phản ánh với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình đời sống nhân dân và có góp nhiều ý kiến cụ thể về các mặt công tác của Nhà nước. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm các ý kiến nói trên. Uỷ ban thường vụ Quốc hội sau khi được các cơ quan cho biết kết quả nghiên cứu, đã và sẽ lần lượt báo cho các vị đại biểu Quốc hội biết.

Đồng thời với việc chăm lo đến đời sống của nhân dân miền Bắc, các đại biểu Quốc hội cũng đã cùng đồng bào cả nước tham gia cuộc vận động chống âm mưu thâm độc của Mỹ - Diệm rải chất độc hóa học phá hoại mùa màng, giết hại gia súc và làm thiệt tính mạng của đồng bào miền Nam. Nhiều đại biểu đã lên tiếng kêu gọi đồng bào cả nước, kêu gọi dư luận thế giới và kịch liệt lên án những hành động man rợ của Mỹ - Diệm đang chà đạp thô bạo lên quyền sống thông thường của con người; lên các quy ước quốc tế. Nhiều đại biểu đã gửi thư tới đồng bào miền Nam nói lên sự đau xót và căm phẫn của mình, của đồng bào miền Bắc trước những tai họa do Mỹ - Diệm gây ra, và cũng nói lên lòng tin tưởng vững chắc của mình, của đồng bào miền Bắc, của Quốc hội ta, ở thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của 14 triệu đồng bào miền Nam anh hùng.

Trong thời gian qua, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã căn cứ vào công thư ngày 15-4-1962 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mà kiểm điểm công tác của đoàn, của các đại biểu trong đoàn, rút kinh nghiệm về hoạt động của đại biểu Quốc hội giữa hai kỳ họp. Qua việc kiểm điểm này, các Đoàn đại biểu Quốc hội nhận rõ thêm nhiệm vụ của mình trong quan hệ đối với nhân dân, với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp, với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ, theo tinh thần của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhắc lại trong công thư. Một số đoàn sau khi rút kinh nghiệm hoạt động, đã vạch ra phương hướng hoạt động của đoàn mình cho thời gian tới.

Về công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong thời gian 6 tháng qua, Uỷ ban đã họp 7 lần, thông qua 1 pháp lệnh, 33 nghị quyết về các vấn đề về pháp luật và tổ chức Nhà nước, tặng thưởng huân chương, và giải quyết những vấn đề khác thuộc quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Uỷ ban còn cử một số đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm và xem xét tình hình ở một số cơ sở.

Sau đây, tôi xin báo cáo cụ thể về các mặt hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

I- VỀ CÔNG TÁC LUẬT PHÁP

Trong thời gian từ kỳ họp lần thứ 5 đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra những văn bản pháp luật sau đây:

1- Quyết định ngày 02 tháng 3 năm 1963 phê chuẩn Điều lệ ngày 24 tháng 12 năm 1961 của Hội đồng nhân dân khu tự trị Việt Bắc. Điều lệ này căn cứ vào Điều 95 của Hiến pháp và Điều 2 của Luật ngày 14 tháng 7 năm 1960 về tổ chức Tòa án nhân dân, đã quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân các cấp trong khu tự trị Việt Bắc cho phù hợp với đặc điểm của tình hình địa phương.

2- Pháp lệnh ngày 23-3-1963 sửa đổi và bổ sung Pháp lệnh ngày 27-9-1961 quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy và chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan ngành phòng cháy và chữa cháy. Nội dung của những sửa đổi bổ sung này là: giao cho Bộ Công an quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy mà trước đây do Bộ Nội vụ phụ trách, và quy định cụ thể chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp.

II- VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN CÁC HIỆP ƯỚC
KÝ VỚI NƯỚC NGOÀI

Trong phiên họp ngày 07-01-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp ước thương mại và hàng hải đã được ký kết tại Bắc Kinh ngày 05-12-1962 giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phê chuẩn Hiệp ước thương mại và hàng hải đã được ký kết tại Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1962 giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

III- VỀ VIỆC BỔ NHIỆM CÁC NHÂN VIÊN CÁC CẤP
VÀ VIỆC TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

a) Về Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

Trong phiên họp ngày 24-4-1963 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ông Lò Văn Hạc, trước đây là Ủy viên dự khuyết, được bổ sung vào số Ủy viên chính thức của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thay ông Dương Đức Hiền từ trần.

b) Về Hội đồng Chính phủ:

Để kiện toàn thêm một bước các cơ quan Nhà nước và do nhu cầu công tác, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 07-01-1963 đã quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm một số các thành viên của Hội đồng Chính phủ như sau:

- Phó Thủ tướng Phạm Hùng thôi kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng; nay kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính - Thương nghiệp Phủ Thủ tướng thay ông Hoàng Anh thôi giữ chức vụ này;

- Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thôi kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước;

- Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước nay kiêm thêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước;

- Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng nay kiêm thêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước;

- Ông Trần Hữu Dực thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông trường và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng;

- Ông Lê Liêm trước là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng thay ông Tố Hữu;

- Ông Nghiêm Xuân Yêm thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nay được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông trường;

- Ông Dương Quốc Chính thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và điện lực nay được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp;

- Ông Hà Kế Tấn trước là Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi và Điện lực;

- Ông Nguyễn Thanh Bình trước quyền Bộ trưởng Bộ Nội thương nay được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội thương thay ông Đỗ Mười;

- Ông Tạ Hoàng Cơ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay ông Tổng giám đốc Lê Viết Lượng.

Cũng theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm ông Bùi Lâm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức; ông Phạm Văn Thuyên làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Nhân dân Bungari và ông Trần Văn Sớ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Dân chủ và Nhân dân Angiêri.

Xét tính chất quan trọng của công tác khai hoang và theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, cũng trong phiên họp ngày 07-01-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua chủ trương tách Cục khai hoang ra khỏi Bộ Nông trường và thành lập Tổng cục Khai hoang trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

c) Về Tòa án nhân dân tối cao:

Trong phiên họp ngày 23-01-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm các thành viên của Tòa án nhân dân tối cao như sau:

Được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có các vị: Diệp Ba, Bùi Công Bằng, Trần Bình, Nguyễn Ngọc Cư tức Trần Cung, Bùi Đắc Hưởng tức Lê Trung Hà, Đặng Văn Hỷ, Nguyễn Văn Minh, Lê Chân Phương, Nguyễn Hải Thanh, Nguyễn Văn Thới, Nguyễn Thành Vĩnh;

Được bổ nhiệm làm ủy viên của Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có các vị: Diệp Ba, Nguyễn Ngọc Cư tức Trần Cung, Nguyễn Văn Minh, Lê Chân Phương, Nguyễn Hải Thanh.

d) Về Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:

Trong phiên họp ngày 23-01-1963 và ngày 23-3-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm đại tá Lê Đình Thiệp làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương; bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng thời là ủy viên của Uỷ ban kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gồm các vị sau đây: Trương An, Nguyễn Mạnh Hoan, Nguyễn Quốc Hồng, Huỳnh Lắm, Nguyễn Thị Minh Nhã.

IV- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG ĐƠN KHIẾU NẠI
CỦA NHÂN DÂN

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhận được 627 đơn khiếu nại của nhân dân.

Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã liên hệ chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Thanh tra, các Bộ hữu quan, để nhắc nhở đôn đốc việc giải quyết kịp thời các đơn khiếu nại của nhân dân. Chúng ta nhận thấy trong thời gian qua, một số cơ quan Trung ương như Bộ Lao động, Bộ Giáo dục v.v., và Uỷ ban hành chính địa phương như Sơn Tây, Phú Thọ… đã giải quyết tốt những đơn khiếu nại của nhân dân, như:

- Những lời khiếu nại, yêu cầu của nhân dân gửi đến được điều tra chu đáo, xác minh rõ ràng, giải quyết công bằng hợp lý;

- Cán bộ lãnh đạo có dành thì giờ nghe báo cáo về tình hình đơn từ của nhân dân gửi đến, tự mình nêu ý kiến giải quyết những vấn đề phức tạp;

- Trong thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và ở một số địa phương như Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam đã có mở Hội nghị bàn về vấn đề giải quyết đơn từ khiếu tố của nhân dân, hoặc kiểm điểm công tác, tổng kết kinh nghiệm về vấn đề này.

Nhưng mặt khác, cũng còn một số cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề, như:

- Việc tiếp nhân dân đến khiếu nại chưa được tổ chức chu đáo;

- Có nơi nhận được đơn khiếu nại thì không xem xét giải quyết kịp thời, hoặc người thừa hành giải quyết không được tốt đã gây thắc mắc cho người khiếu nại;

- Có nơi nhận được đơn khiếu nại từ xã gửi lên các cấp trên thì các cấp trên lại chuyển xuống cấp dưới, cuối cùng lại chuyển về xã, làm cho người khiếu nại có sự e ngại trong khi phải tiếp xúc với cơ quan địa phương.

Để cải tiến hơn nữa công tác giải quyết đơn khiếu nại của nhân dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân, chúng tôi thấy cần thiết phải có những văn bản cụ thể hóa Điều 29 của Hiến pháp quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với việc giải quyết những đơn khiếu nại của nhân dân, và về những hình thức kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm những điều nói trên của Hiến pháp.

V- VỀ VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG VÀ
DANH HIỆU VINH DỰ CỦA NHÀ NƯỚC

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xét những đề nghị của Hội đồng Chính phủ về việc tặng thưởng huân chương và đã có những quyết định như sau:

- Về tiếp tục khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 2.462 Huân chương Kháng chiến cho cán bộ, công nhân, viên chức đã có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc;

- Về khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1962, thành tích phòng - chống bão lụt, giữ gìn trật tự an ninh… Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 311 Huân chương Lao động, 1 Huân chương Quân công, 71 Huân chương Chiến công;

- Về khen thưởng thành tích xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 20.669 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho ông Dương Đức Hiền, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, từ trần ngày 19-02-1963.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tặng thưởng Huân chương Lao động cho Đoàn triển lãm Công thương nghiệp Liên Xô đã tổ chức ở nước ta vào cuối năm 1962, một cuộc triển lãm giới thiệu với nhân dân ta nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến của Liên Xô; Đoàn nghệ thuật Hunggari đã sang biểu diễn hữu nghị ở nước ta, và 76 chuyên gia các nước anh em (Trung Quốc, Tiệp Khắc, Triều Tiên) đã có công giúp nhân dân ta trong công cuộc xây dựng miền Bắc.

VI- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC CỦA
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

1- Đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân địa phương, trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhiều lần cử cán bộ đến Hội nghị Hội đồng nhân dân của một số tỉnh để nghiên cứu tình hình. Trong dịp bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cử nhiều đoàn đại biểu và cán bộ về các địa phương xem xét việc thi hành Luật bầu cử. Qua việc theo dõi hoạt động của các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy sau khi Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp được ban hành, hoạt động của Hội đồng nhân dân ở một số địa phương đã được cải tiến, các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân đã được tiến hành đúng kỳ hạn và đúng pháp luật. Các cuộc hội nghị Hội đồng nhân dân được triệu tập đều đặn và nội dung phong phú, phản ánh được vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhưng những tiến bộ nêu ra trên chưa được đều khắp, và ở nhiều nơi còn chưa thật quan tâm đầy đủ đến việc phát huy tác dụng tích cực của Hội đồng nhân dân để làm động cơ thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế văn hóa của địa phương. Để cải tiến hơn nữa hoạt động của Hội đồng nhân dân, chúng tôi thấy đồng thời với việc nâng cao nhận thức về vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp, cần tổ chức nghiên cứu để thi hành đúng đắn Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.

2- Để tìm hiểu tình hình thực hiện đường lối chính sách của Đảng lãnh đạo và Nhà nước, trong thời gian qua Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức hai đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm một số cơ sở của ngành lâm nghiệp và ngành giáo dục.

Đoàn đi thăm ngành Lâm nghiệp do Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trần Đăng Khoa làm Trưởng đoàn, đã đến một số các lâm trường ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại mỗi nơi đoàn đã tìm hiểu về tình hình hoạt động của lâm trường, đã tiếp xúc với cán bộ, chuyên gia, công nhân, tìm hiểu điều kiện làm việc, sinh sống, nguyện vọng của họ, đã góp ý kiến với các cơ quan phụ trách để cải tiến công tác.

Qua cuộc đi thăm này, đoàn đại biểu Quốc hội đã có dịp thấy những cố gắng, những tiến bộ nhanh chóng của công tác lâm nghiệp của chúng ta. Tuy nhiên cũng do công tác lâm nghiệp đối với ta còn tương đối mới, nhiều tình hình khách quan cần phải khắc phục, nên Đoàn thấy còn phải cố gắng nhiều, nhất là phải nhận định rõ vị trí quan trọng của ngành lâm nghiệp và khả năng của nó trong nền kinh tế quốc dân để nâng cao trình độ quản lý, trình độ khoa học - kỹ thuật cũng như trình độ nghiệp vụ của cán bộ, công nhân, để đẩy mạnh hơn nữa công tác lâm nghiệp của nước ta.

Đoàn đi thăm ngành giáo dục do Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hưởng làm Trưởng đoàn, đã đến thăm một số trường đại học, trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, trường mẫu giáo, trường bổ túc văn hóa ở Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình. Đoàn cũng đã tới thăm trường Bắc Lý, lá cờ đầu của ngành giáo dục. Đoàn đã tiếp xúc với học sinh, sinh viên, các cán bộ giảng dạy và một số phụ huynh học sinh và đã lắng nghe nguyện vọng của học sinh cũng như những ý kiến của giáo viên và các ban phụ trách các trường. Đoàn rất phấn khởi nhận thấy rằng sự nghiệp phát triển giáo dục là một thành tích to lớn của nhân dân ta trong lĩnh vực cách mạng văn hóa trong những năm vừa qua.

Trong những nhận xét và đề nghị của mình trình bày trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một quan niệm chính xác về mục đích học tập trong nhân dân, cán bộ và học sinh, đến vấn đề cân đối giữa phát triển kinh tế và phát triển giáo dục, vấn đề nâng cao chất lượng học tập, vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ và chăm lo đến sức khỏe của người giảng dạy, vấn đề bổ sung một số chính sách và chế độ trong ngành giáo dục.

Những nhận xét và đề nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội nói trên đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuyển đến Chính phủ nghiên cứu.

VII- VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Các Uỷ ban của Quốc hội trong thời gian qua đã hoạt động đều đặn để thực hiện nhiệm vụ của mình và đã góp ý kiến giúp cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải quyết tốt các vấn đề.

Uỷ ban dự án pháp luật đã họp nhiều lần để thẩm tra các dự án Pháp lệnh trước khi đưa ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận và thông qua.

Uỷ ban dân tộc đã họp để bàn về nội quy hoạt động nhằm tăng cường công tác của Uỷ ban và đã hội nghị liên tịch với Uỷ ban dự án pháp luật để thẩm tra Điều lệ của Hội đồng nhân dân khu tự trị Việt Bắc về tổ chức Tòa án nhân dân các cấp trong khu tự trị Việt Bắc và thẩm tra Điều lệ của Hội đồng nhân dân khu tự trị Tây Bắc về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình trong khu tự trị Tây Bắc.

Để chuẩn bị tốt cho công tác thẩm tra các dự án kế hoạch và ngân sách của Chính phủ sắp trình ra Quốc hội, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách đã họp nhiều lần nghe báo cáo của một số ngành, và đã đi về một số địa phương xem xét tại chỗ tình hình các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, hợp tác xã v.v., để thấy thêm các mặt cụ thể, soi sáng cho việc nghiên cứu kế hoạch và ngân sách Nhà nước.

VIII- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

Sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chuyển tới Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lời tuyên bố ngày 27-10-1962 của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ chủ trương của Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đòi quân đội Mỹ rút khỏi Nam Triều Tiên nhằm hòa bình thống nhất đất nước Triều Tiên. Uỷ ban thường vụ cũng đã chuyển tới Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức lời tuyên bố ngày 27 tháng 10 năm 1962 của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ giác thư của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức tố cáo những âm mưu của Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức trang bị vũ khí hạt nhân cho quân đội Tây Đức nhằm thực hiện những âm mưu xâm lược và phục thù của bọn quân phiệt Tây Đức.

Trong phiên họp ngày 07-01-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về Nghị quyết ngày 29-11-1962 của các Đoàn đại biểu các chính Đảng và đoàn thể trong Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức thông qua lên án việc xét xử phi pháp của chính quyền Liên bang Tây Đức nhằm cấm Hội các nạn nhân của chủ nghĩa quốc xã (VVN) và Liên đoàn quốc tế những người kháng chiến (FIR) tại Tây Đức là những đoàn thể được thành lập từ lâu và được công nhận là những tổ chức dân chủ. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng tình với nội dung bản Nghị quyết nói trên đã viết thư trả lời cho Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức nói rõ sự đồng tình ủng hộ đó. Về vấn đề này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có gửi thông báo đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đáp lời mời của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, từ ngày 12 đến 20 tháng 01 năm 1963, đoàn Đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô do đồng chí Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Y.Anđơrôpốp, trong Uỷ ban đối ngoại của Xô viết tối cao, làm Trưởng đoàn đã đến thăm nước ta. Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Đoàn đã đến chào Hồ Chủ tịch, đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đoàn đã hội đàm với Uỷ ban thường vụ Quốc hội để trao đổi về tình hình và kinh nghiệm hoạt động Quốc hội. Đoàn đã đi thăm một số cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa ở Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Hòa Bình. Đoàn đã có nhiều dịp tiếp xúc rộng rãi với các vị lãnh đạo Nhà nước, các đảng phái, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân ta. Ở đâu Đoàn cũng được đón tiếp nồng nhiệt, với mối tình hữu nghị và lòng biết ơn sâu sắc của Nhà nước và nhân dân ta đối với Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Ở khắp nơi Đoàn đến thăm, nhân dân ta đã vui mừng phấn khởi được trực tiếp nghe tiếng nói của những người đại diện cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Xô viết tỏ nhiệt tình ủng hộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, và sự nghiệp đấu tranh giành hòa bình thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Cuộc đi thăm nước ta của đoàn Đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô đã thắt chặt thêm tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa nhân dân ta và nhân dân Liên Xô, đó là một cổ vũ đối với Quốc hội ta và nhân dân ta, Quốc hội ta và nhân dân ta chân thành cảm ơn cuộc đi thăm đầy tình hữu nghị đó.

*

* *

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây tôi đã báo cáo các hoạt động Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp trước đến nay. Các hoạt động đó đã mang lại những lợi ích nhất định trong việc kiện toàn bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân, phát huy tác dụng của cơ quan dân cử trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Những hoạt động đó thu được kết quả tốt là nhờ sự tích cực hoạt động của các đại biểu Quốc hội, nhờ sự cộng tác, phối hợp của Hội đồng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Mong rằng trong hoạt động sắp tới của mình, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục được sự cộng tác tốt đẹp nói trên, làm cho công tác Quốc hội ta ngày thêm tiến bộ.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.