Giải trình về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài

30/01/2018

Sáng 30/01, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đến dự và chỉ đạo phiên họp.

Tham dự phiên giải trình còn có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải; các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng các đại biểu Quốc hội.

Phiên giải trình của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay nước ngoài

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên giải trình nhằm mục đích phân tích, đánh giá và đề xuất những giải pháp quan trọng trong huy động, sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đặc biệt là, khi Luật quản lý nợ công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ góp phần khắc phục những tồn tại hạn chế hiện nay, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam tốt nghiệp IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế IDA thuộc Ngân hàng Thế giới Word Bank) thì các nguồn vốn vay ODA sẽ giảm dần, việc đi vay với lãi suất cao sẽ tạo ra áp lực trả nợ lớn hơn. Vì vậy, cần có kế hoạch, chương trình và chiến lược phù hợp hơn trong cân đối trả nợ vốn vay xem xét hiệu quả giữa vay trong nước và vay ngoài nước; cần đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo một nền tài chính an toàn, bền vững trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc phiên giải trình

Bên cạnh đó, phiên giải trình cũng sẽ xem xét khoảng thời gian hơn 1 năm vừa qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội quy định các chỉ tiêu an toàn nợ công, tổng mức vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020; khả năng huy động, giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, việc đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công đề ra cho cả giai đoạn; những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và phương hướng và giải pháp đề ra cho những năm còn lại của kế hoạch trung hạn.

Trong phiên giải trình, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vồn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020; đồng thời đặt câu hỏi, trao đổi, thảo luận thẳng thắn với các cơ quan quản lý về các vấn đề như làm rõ các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; đánh giá sát thực tình hình đàm phán, ký kết, quản lý, gắn với việc phân bổ, giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kiến nghị các giải pháp để khắc phục khó khăn, hạn chế trong thời gian vừa qua; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cũng như các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, để đề xuất tháo gỡ trong thời gian tới.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Thanh Văn đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hoan nghênh nội dung của phiên giải trình, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích việc vay ODA là cần thiết trong điều kiện đất nước ta rất cần vốn đề đầu tư phát triển. Bên cạnh những lợi thế như lãi suất thấp, thời hạn cho vay tương đối dài, thời gian ân hạn khá và đi vay có mục tiêu cho nên việc kiểm soát đánh giá hiệu quả khá hơn thì vay ODA cũng có những mặt trái như điều kiện cho vay của các nhà tài trợ đều rất khắt khe, nguy cơ làm nợ nước ngoài tăng cao. Những bài học về vay ODA của một số quốc gia như Hi Lạp, Iceland và một số nền kinh tế châu Âu cho thấy vấn đề nợ công, vay nợ, an ninh tài chính quốc gia chính là “gót chân asin” của nền kinh tế nếu không thận trọng... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Tài chính- Ngân sách phải đánh giá sâu sắc cả mặt tích cực hạn chế của ODA và thấy được tác động qua lại của nó, tránh phiến diện một chiều trong báo cáo kết quả giám sát.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về cơ bản việc vay vốn ODA là có kết quả và đạt được những hiệu quả nhất định giúp cho xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế cũng như nâng cao trình độ quản lý thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn những tồn tại yếu kém cần được xem xét. Đó là chưa thật sự đổi mới, chưa thật sự quyết liệt để khắc phục những tồn tại hạn chế từ những năm trước đây trong quản lý, phân bổ và sử dụng vốn ODA. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần rà soát lại hiệu quả đánh giá tác động của các dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn vừa qua. Đề nghị đánh giá lại 2,5 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn vào cuối 2018 để chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Liệt kê và đánh giá lại các dự án quyết định không đúng thẩm quyền, triển khai không đúng quy định và làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đúng thẩm quyền và báo cáo trước Quốc hội.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải cương quyết xử lý các sai phạm tồn tại một cách triệt để và đổi mới quản lý đầu tư công, quản lý nợ công nói chung và vốn ODA nói riêng, không chạy theo mục tiêu giải ngân; thực hiện đúng theo Luật quản lý nợ công mới và áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, đồng thời yêu cầu Uỷ ban Tài chính - Ngân sách sau phiên giải trình này phải có báo cáo nhanh với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bảo Yến