Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại Hà Giang

25/04/2017

Chiều 24/4, tại TP.Hà Giang, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với TP.Hà Giang và một số huyện, xã, phường trên địa bàn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Tham dự buổi làm việc có: Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Sơn; Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân TP.Hà Giang, các huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên và một số xã, phường.

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân TP Hà Giang và hai huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc, trong giai đoạn giám sát, các huyện, thành phố đều thực hiện đúng quy định về số lượng các phòng, ban chuyên môn thuộc cấp huyện (13 cơ quan chuyên môn), chỉ thay đổi về số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là đáp ứng nhu cầu giáo dục đào tạo tăng trên địa bàn. So sánh với tổ chức bộ máy giai đoạn 2011 - 2016 với giai đoạn trước cho thấy, đầu mối đã được thu gọn do đã chủ động sát nhập một số đơn vị sự nghiệp. Bộ máy lãnh đạo giảm số lượng người, và việc bố trí cấp trưởng, phó tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp đều bảo đảm đúng hướng dẫn. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân trên địa bàn, huyện Vị Xuyên đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hành chính công huyện, thành phố, còn TP.Hà Giang đã đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động được 2 năm, phát huy hiệu quả rõ rệt.

Về công tác quản lý và sử dụng biên chế, báo cáo của Uỷ ban nhân dân TP.Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc đều cho biết, công tác này được thực hiện đúng quy định pháp luật, không có tình trạng tuyển dụng biên chế tăng so với định biên được giao. Các địa phương này đều có điểm chung là đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 60/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, tích cực thực hiện kiêm nhiệm các chức danh này, giúp tiết kiệm đáng kể chi ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân TP.Hà Giang, các huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc phản ánh, việc giảm số lượng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang gây khó khăn cho cơ sở trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.

Đối với việc tinh giản biên chế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Hà Giang Nguyễn Thị Phương Lan nêu rõ, có khó khăn trong thực hiện tinh giản theo Nghị định 108/2014 của Chính phủ, do quy định về đối tượng nghỉ tinh giản biên chế chặt chẽ, nhiều trường hợp công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, muốn xin nghỉ, nhưng đối chiếu không đủ điều kiện, nên không giải quyết được. Còn Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường cho biết, việc ấn định tỷ lệ giảm biên chế đến năm 2020 đạt 10% sẽ khiến địa phương khó bảo đảm, vì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều còn trẻ tuổi, đa số đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và phù hợp với vị trí việc làm. Các huyện và TP Hà Giang đề xuất kiến nghị cụ thể về tăng số Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, xã, cũng như biên chế cho một số chức danh.

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao công tác cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện cải cách hành chính của TP.Hà Giang, các huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc cũng như một số phường, xã trên địa bàn TP. Nhưng nhiều ý kiến cũng lưu ý, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã đưa ra nguyên tắc quan trọng là việc của cấp nào, cấp đó làm, tránh tình trạng tỉnh chỉ đạo xuống huyện, huyện chỉ đạo xuống xã, xã chỉ đạo xuống thôn, khó quy trách nhiệm. Lưu ý thành công của Luật Tổ chức chính quyền địa phương phụ thuộc vào triển khai nguyên tắc này, thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Uỷ ban nhân dân TP.Hà Giang và các huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên... cho biết rõ nguyên tắc này đã được triển khai như thế nào tại cấp cơ sở? Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, quy định hiện hành đã tách bạch chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, nhưng số lượng phòng, cơ quan chuyên môn trên địa bàn TP.Hà Giang và các huyện lại tương đương nhau, không khác biệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tổ chức bộ máy trên các huyện, thành phố nhìn chung bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành, thậm chí đã chủ động thu gọn đầu mối, nỗ lực tinh giản biên chế, giúp tiết kiệm chi ngân sách, mà vẫn bảo đảm hiệu quả công việc, giữ đúng tinh thần “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tổ chức bộ máy hành chính vẫn theo tư tưởng, quan điểm bình quân, chưa tính đến đặc thù của từng địa phương, kể cả về địa lý, diện tích, dân số, quy mô phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh... “Đây là một bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành, nhưng trong điều kiện hiện nay, cấp cơ sở cần mạnh dạn đề xuất, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế, vừa không tăng biên chế, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý, phát huy lợi thế của địa phương”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.   

Ghi nhận kiến nghị của địa phương về tăng biên chế ở một số chức danh, song Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chi thường xuyên hiện nay rất lớn, chiếm 70% tổng chi ngân sách hằng năm. Trong khi đó, việc tăng 1 biên chế ở địa phương là không lớn, nhưng nếu áp dụng cho cả nước sẽ đòi hỏi bố trí kinh phí trả lương không nhỏ. Khi thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội đã “đưa lên, đặt xuống” rất kỹ càng các quy định cụ thể về số lượng chức danh phó này. Do đó, địa phương cần chấp hành nghiêm quy định pháp luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

(Theo báo ĐBND)