ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ VỀ MỨC XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

28/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu theo hướng rút ngắn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như làm rõ về mức xử phạt hành chính đối với lĩnh vực này.

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội vừa thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là cần nghiên cứu theo hướng rút ngắn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như làm rõ về mức xử phạt hành chính đối với lĩnh vực này.


Đại biểu Trần Thị Hằng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Thị Hằng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm: Tại khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật trình Quốc hội lần này các quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, chỉ chỉnh lý tên một số lĩnh vực để bảo đảm sự thống nhất về tên lĩnh vực đã được thay đổi tại các điều, khoản khác trong dự thảo luật vào luật hiện hành. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng được trình Quốc hội thông qua và tại khoản 3 Điều 164 của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường thì có quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 5 năm. Quy định này chưa thống nhất với quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 164 trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), không thấy có quy định cụ thể nào khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính như mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, theo đại biểu Trần Thị Hằng, việc chỉ có quy định thời hiệu trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như vậy là không phù hợp. Việc quy định về thời hiệu là để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi vi phạm, ngăn chặn kịp thời hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Tránh trường hợp khi hậu quả đã xảy ra rồi mới đi xử lý. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường là lĩnh vực nếu có hành vi vi phạm sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, người dân nên cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời để không gây ra những hậu quả đáng tiếc như nhiều vụ việc trên thực tế thời gian qua.

Với lý do đó, đại biểu Trần Thị Hằng đề nghị cần nghiên cứu theo hướng rút ngắn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi tổng kết, đánh giá và sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính. Còn tại thời điểm này, đại biểu Trần Thị Hằng tán thành với những nội dung giải trình, tiếp thu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, mục 1.3 của báo cáo đầy đủ, theo đó vẫn giữ quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 5 năm như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian vừa qua, không gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Đồng thời, không quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến.

Đề cập đến mức xử phạt đối với lĩnh vực môi trường và một số lĩnh vực khác, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, tại khoản 1 Điều 2, về quy định mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực như vệ sinh môi trường, bạo lực gia đình là 30 triệu đồng; trật tự an toàn xã hội là 40 triệu đồng. Trong khi đó, mức xử phạt đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, thủy sản là 1 tỷ đồng. Theo Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, ở đây có 2 vấn đề cần làm rõ. Đó là hành vi nào chúng ta sẽ xử phạt đến 30 triệu đồng, những hành vi nào xử phạt 1 tỷ đồng, vì cũng là vấn đề vệ sinh, bảo vệ môi trường?

Làm rõ về những nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong Báo cáo tổng kết của Luật Xử lý vi phạm hành chính và trong tổng kết thi hành Luật Bảo vệ môi trường cũng hoàn toàn không đánh giá về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Cho nên chỗ này không có cơ sở để tăng lên là 5 năm như đề xuất của một số ý kiến nên đề nghị vẫn giữ là 2 năm.

Còn ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề cập là lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định phạt tối đa 1 tỷ đồng, trật tự an toàn xã hội thì 40 triệu đồng. Thế nhưng, trong thực tế có những hành vi ví dụ như sàm sỡ trong thang máy chỉ phạt 200.000 đồng, vậy căn cứ ở đây thế nào?


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm rõ những thắc mắc của các đại biểu Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định mức phạt tối đa, phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực. Còn mức phạt đó được áp dụng trong từng lĩnh vực đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể như thế nào, mức phạt bao nhiêu trong khung của mức phạt tiền tối đa đó do Chính phủ quy định. Cho nên hành vi vi phạm đối với hành vi sàm sỡ trong thang máy mà hiện nay quy định mức phạt 200.000 đồng là không phù hợp. Chỗ này Nghị định của Chính phủ cần được rà soát lại để có quy định một mức phạt phù hợp hơn trong khung phạt 40 triệu đã được quy định đối với lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, tương tự như vậy đối với bảo vệ môi trường./.

Bích Lan