HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

11/08/2020

Tiếp tục phiên họp 47, chiều ngày 11/8/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

 

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị, sự phối hợp với cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Hồ sơ dự án Luật đã thực hiện đúng quy trình, đánh giá đầy đủ tác động đến các chính sách, xã hội, giới, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo quan tâm tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, các ý kiến góp ý tại phiên họp, tiếp tục rà soát, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, rà soát tính khả thi của các luật trong thực tiễn, đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo bí mật thông tin cá nhân - đây là vấn đề rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền con người.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên làm việc.

Mở đầu phiên họp, thừa ủy quyền của Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, sau 14 năm thực thi chính sách pháp luật Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV phát hiện mới, số tử vong do AIDS giảm liên tục, tuy nhiên Luật Phòng, chống HIV/AIDS vẫn tồn tại những bất cập cần được khắc phục kịp thời.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định việc sửa đổi, bổ sung luật là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo thể chế hóa kịp thời đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng chống HIV/AIDS, thực hiện được mục tiêu đên năm 2030 Việt Nam cơ bản chấm dứt bệnh AIDS theo Nghị quyết 20 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để giúp tăng nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và tăng sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng góp ý về quyền tiếp cận thông tin, trong đó đề nghị cần quy định rõ trong về hình thức thông báo và thời hạn thông báo, tránh quy định mang tính hình thức, làm căn cứ để xử lý hình sự người nhiễm HIV trong trường hợp họ cố tình lây nhiễm HIV cho người khác theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Hình sự.

Góp ý vào các nội dung dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục phối hợp để chỉnh lý, điều chỉnh một số quy định trong dự án luật, việc đánh giá tác động tại một số quy định chưa cụ thể, đầy đủ, chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa luật này với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật hình sự và Luật Phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, một số quy định về bình đẳng giới vẫn chưa đảm bảo tính khả thi do thiếu các số liệu cụ thể để chứng minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, để đạt được mục tiêu không còn người bệnh AIDS trong cộng đồng vào 2030 thì có đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ của đề cập đến vai trò của khoa học công nghệ trong hoạt động này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao công tác chuẩn bị, sự phối hợp với cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Hồ sơ dự án Luật đã thực hiện đúng quy trình, đánh giá đầy đủ tác động đến các chính sách, xã hội, giới, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, các ý kiến góp ý tại phiên họp, tiếp tục rà soát, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật hình sự và các chính sách liên quan khác. Rà soát tính khả thi của các luật trong thực tiễn, đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo bí mật thông tin cá nhân - đây là vấn đề rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền con người./.

Bùi Hùng