BÁO CÁO UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

13/07/2020

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, chiều ngày 13/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế

Tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế và thống nhất cho rằng việc ban hành Luật này sẽ góp phần vào việc tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng thực tiễn nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý cụ thể về phạm vi điều chỉnh, khái niệm thỏa thuận quốc tế, bên ký kết Việt Nam, ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế, lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế, và các hành vi bị nghiêm cấm, cơ quan quản lý Nhà nước về thỏa thuận quốc tế, ký kết thỏa thuận quốc tế, hướng dẫn công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế và hiệu lực thi hành Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thống nhất dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trình bày báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội  về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn khái niệm thỏa thuận quốc tế; có ý kiến đề nghị nghiên cứu coi thỏa thuận quốc tế là các quan hệ dân sự, hành vi dân sự nhưng không mang tính chất kinh doanh thương mại và Nhà nước không chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó, dự kiến tiếp thu khái niệm thỏa thuận quốc tế theo hướng “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế”.

Về bên ký kết Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã. Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ thực tiễn, nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong tình hình mới, nhưng chỉ áp dụng đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới; dự thảo Luật giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định về việc ký thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tùy nội dung ký kết, các văn bản thỏa thuận của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật chuyên ngành quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đó điều chỉnh. Việc ký thỏa thuận quốc tế chỉ quy định đến cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là phù hợp với tổ chức bộ máy của tổ chức.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế gồm Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung các chủ thể này vào điểm b khoản 2 Điều 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tại phiên họp

Ngoài ra, dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội trong việc bổ sung quy định về ngôn ngữ ký thỏa thuận quốc tế theo hướng: “Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài” để thể hiện tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (khoản 3 Điều 5), đồng thời bảo đảm sự linh hoạt khi ký kết các thỏa thuận quốc tế nhiều bên.

Dự thảo Luật cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nội dung Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm sự thống nhất về quy trình, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế và rà soát quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tòa án nhân dân, Luật Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước và các luật có liên quan và thể hiện như tại Chương II dự thảo Luật.

Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật không quy định các trường hợp chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện mà chỉ quy định theo hướng để bên ký kết Việt Nam cân nhắc, tham vấn đầy đủ, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế phù hợp chủ trương, đường lối đối ngoại, lợi ích của phía Việt Nam và bảo đảm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu dự kiến giảm 4 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, cụ thể: Giảm Điều 22, 23 quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng cục, cục thuộc Bộ; cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; giảm Điều 42 về trách nhiệm của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc thực hiện TTQT do các nội dung này sẽ được quy định tại Nghị định hướng dẫn chi tiết của Chính phủ và không quy định xử lý vi phạm trong Luật này (Điều 51), tùy theo tính chất, hành vi vi phạm sẽ áp dụng pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội dự thảo quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Sau khi nghe trình bày báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung này./.

Bảo Yến - Bùi Hùng