BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ GIẢI TRÌNH LÀM RÕ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC KAPET

12/11/2019

Ngày 12/11, trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Kapet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ một số nội dung.

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường cho thấy các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết đầu tư của dự án; sự chuẩn bị dự án đã tuân thủ các quy định của pháp luật; tán thành việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng. Các đại biểu đánh giá cao về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án với quy mô phù hợp và cho phép áp dụng cơ đặc biệt để giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Kapet

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, khu vực thực hiện dự án là vùng khô hạn bậc nhất của cả nước. Kéo dài từ Duyên hải Trung Bộ cho đến cực Nam Trung Bộ thì Bình Thuận, Ninh Thuận là hai tỉnh cực Nam của Nam Trung Bộ, là hai tỉnh khô hạn nhất cả nước. Do vậy, việc đầu tư các hồ này là hết sức cần thiết và hết sức quan trọng để vừa đảm bảo mục tiêu cắt lũ khi mùa lũ về, phải trữ được nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Đây là hai yếu tố hết sức quan trọng đối với hai tỉnh này, cũng như các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung.

Trước một số ý kiến còn băn khoăn về địa điểm thực hiện dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết địa điểm của dự án đã được Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam của Bộ Nông nghiệp nghiên cứu hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, xác định đây là giải pháp khả thi nhất, cũng đã tính đến dung tích lòng hồ và các diện tích rừng phải chuyển đổi, chi phí đầu tư, hiệu quả dự án, đánh giá tác động đã tính toán thật kỹ lưỡng. Bộ trưởng khẳng định đây là phương án tốt nhất.

Tại báo cáo tiền khả thi, phương án lựa chọn dự án đã đưa ra 14 phương án, tức là 14 kịch bản về dung tích lòng hồ. Phương án chọn dung tích 51 triệu, tương ứng với tổng diện tích rừng cũng như diện tích rừng đặc dụng phải sử dụng là phù hợp.

Về giá trị của rừng đặc dụng bị mất, trong tổng số rừng sử dụng để có 162,55 hecta rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn Núi Ông, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là khu vực thuộc phân khu phục hồi sinh thái. Hiện trạng chủ yếu là hiện trạng rừng phục hồi, không có diện tích rừng giàu, không có loài động vật hoang dã và quý hiếm. Gỗ ở đây chủ yếu thuộc nhóm 5 đến nhóm 8, với đường kính chủ yếu là nhỏ, chiếm tới 63,5%, cũng không có các loại thực vật phải quản lý chặt chẽ và hạn chế theo Công ước quốc tế, cũng như theo các nghị định của Chính phủ. Diện tích này đã được tính toán và khi tích nước sẽ tạo một môi trường tốt cho phía hạ du và không có các công trình khác cần phải bảo tồn, không ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể tại hội trường

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định việc trồng rừng thay thế là việc hết sức quan trọng nên phải giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc đánh giá hiệu quả dự án so sánh với cả diện tích rừng được chuyển rồi thì đây là công trình thủy lợi đa mục tiêu. Số dân được hưởng lợi rất là lớn với 12.000 hộ dân, tức là chiếm 11/12 xã của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó có 820 hộ dân tộc thiểu số. Và tổng số người dân được hưởng lợi 120.000, trong đó có 60.000 dân của thành phố Phan Thiết. Do đó hiệu quả của công trình được đánh giá rất tốt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian thực hiện dự án 5 năm là quá dài và nên tính toán cố gắng từ 3 đến 5 năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận để tập trung bố trí đủ nguồn lực và tổ chức triển khai nhanh đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả của công trình này.

Giải trình về việc giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi dự án quan trọng quốc gia được quyết định chủ trương đầu tư thì giao lại cho Thủ tướng Chính phủ để lập thẩm định và quyết định đầu tư. Tuy nhiên, đây là một dự án có quy mô nhỏ thuộc nhóm B với quy mô vốn là 565 tỷ và thuộc công trình cấp 2 và đã có phương án trồng rừng thay thế. Hơn nữa, tỉnh đã có kinh nghiệm đầu tư và xây dựng các công trình, dự án thủy lợi tương tự. Mặt khác, pháp luật về nông, lâm nghiệp cũng không có những điều cấm hay có những quy định riêng. Do vậy, việc giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập thẩm định và phê duyệt sẽ thuận lợi và nhanh hơn, đáp ứng được hiệu quả.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ phối hợp cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để rà soát và chỉnh sửa cho phù hợp trong Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan.

Bảo Yến - Nghĩa Đức