CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA: CHỈ TIÊU QUỐC HỘI ĐỀ RA LÀ CĂN CỨ GIÁM SÁT VÀ PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

05/11/2019

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 05/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019...Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải trình về một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải trình về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết về công tác tư pháp

Giải trình làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết hiện nay các chỉ tiêu về công tác tư pháp được quy định trong khoảng 10 Nghị quyết khác nhau. Việc tồn tại nhiều chỉ tiêu trong nhiều nghị quyết gây những khó khăn nhất định trong việc thực hiện. Do đó các cơ quan tư pháp và các đại biểu Quốc hội nhiều lần đề xuất và Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với đề xuất của cơ quan tư pháp về việc trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết mới

Nhấn mạnh lý do tại sao phải có các chỉ tiêu trong công tác tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, giống như các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội thì chỉ tiêu trong công tác tư pháp do Quốc hội đề ra là cần thiết nhằm định lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ. Qua đó có căn cứ để giám sát, người quản lý ngành có căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện và cán bộ thực thi nhiệm vụ có căn cứ để phấn đấu.

Thực tiễn hoạt động Quốc hội nhiều năm cho thấy, việc Quốc hội đề ra các chỉ tiêu và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển, thực hiện chức năng nhiệm vụ của các ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng nếu đã ban hành nghị quyết mang tính quy phạm dùng trong thời gian dài, nếu chỉ đưa ra các yêu cầu mang tính định tính như “đẩy mạnh”, “nâng cao”, “tăng cường”…thì Quốc hội không có căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả thực hiện.

Về căn cứ để khi xác định chỉ tiêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, một là cân đối giữa bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực tư pháp. Hai là căn cứ vào yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu của các Bộ luật và Luật trong lĩnh vực tư pháp. Ba là từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp trong những năm gần đây để xác định chỉ tiêu qua các năm để xác định chỉ tiêu mới. Bốn là đảm bảo tính khả thi dựa trên điều kiện thực tế về cán bộ, cơ sở vật chất, số lượng án tăng, độ phức tạp của án.

Về các chỉ tiêu cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết dự thảo Nghị quyết về công tác tư pháp giữ nguyên một số chỉ tiêu hiện hành có từ năm 2012 gồm: trong công tác điều tra tỷ lệ điều tra, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố. Trong công tác của Viện kiểm sát, giữ nguyên chỉ tiêu về kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị khởi tố; đảm bảo truy tố bị can đúng tội trên 95%. Trong công tác xét xử thì giữ nguyên chỉ tiêu về đảm bảo tổng số bản án, quyết định bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt tỷ lệ từ 60% trở lên. Công tác thi hành án giữ nguyên chỉ tiêu ra quyết định thi hành án đúng quy định của phát luật 100% đối với các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Đối với các chỉ tiêu đề nghị sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, dự thảo đề nghị nâng chỉ tiêu về điều tra, khám phá các loại tội phạm từ trên 70% lên trên 75%. Trong công tác truy tố đề nghị nâng tỷ lệ các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được tòa án chấp nhận từ trên 70% lên trên 75%.

Dự thảo cũng bổ sung chỉ tiêu về cơ quan điều tra các cấp đảm bảo tỷ lệ thụ lý các tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100% và 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều được khởi tố. Đối với công tác truy tố bổ sung 2 chỉ tiêu về số kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp chiếm trên 75% tổng số kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm và tỷ lệ giải quyết đơn từ 60% trở lên. Trong công tác xét xử, dự thảo bổ sung chỉ tiêu là tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%, án dân sự trên 78%, án hành chính trên 60%. Trong công tác thi hành án dân sự thì quy định tỷ lệ thi hành án dân sự xong là trên 80% về việc và trên 38% về tiền.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, trên cơ sở nghiêm túc lắng nghe, sau phiên thảo luận này, Ủy ban Tư pháp sẽ cùng các Trưởng ngành Tư pháp, lãnh đạo ngành tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trình xin ý kiến đại biểu trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức