PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VN: CÔNG TÁC CHUẨN BỊ HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ BA ĐANG ĐƯỢC TRIỂN KHAI ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

12/04/2021

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách những người có đủ tiêu chuẩn, giới thiệu vào các đơn vị ứng cử đang được triển khai đúng quy định của pháp luật.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba sẽ được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Như vậy, với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì chậm nhất là ngày 18/4/2021.

Cụ thể: Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 4 năm 2021 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 4 năm 2021 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.

Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về công tác chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Hội nghị đang được triển khai tích cực, đảm bảo đúng tiến độ, để lập danh sách những người có đủ tiêu chuẩn, giới thiệu vào các đơn vị ứng cử. Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng triển khai các đoàn giám sát, tổ chức các lớp tập huấn để kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị bầu cử.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn. Xin ông cho biết tiến độ chuẩn bị công tác bầu cử đến thời điểm này ở các địa phương như thế nào?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Đến thời điểm này công tác bầu cử đang được chuẩn bị tích cực, trong đó đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận, thống nhất về cơ cấu, số lượng, thành phần. Sau đó, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai đã hoàn thành bước lập danh sách sơ bộ, hiện nay Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như Mặt trận Tổ quốc các cấp đang tổ chức lấy ý kiến ở nơi cư trú đối với các ứng cử viên. Sau khi lấy ý kiến nơi cư trú là tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách những người có đủ tiêu chuẩn, giới thiệu vào các đơn vị ứng cử.

Phóng viên: Chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các đoàn giám sát kiểm tra công tác bầu cử, ông nhận thấy công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương như thế nào?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Công tác bầu cử lần này có một số ưu điểm. Trước hết là công tác chuẩn bị rất sớm. Thứ hai, các nội dung liên quan đến việc hướng dẫn bầu cử được Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cấp triển khai tích cực, trong đó đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình để thực hiện bầu cử.

Mặc dù Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp không có nội dung mới, vẫn là Luật bầu cử Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 nhưng nội dung, phương pháp, cách làm đưuợc rút kinh nghiệm những điểm hạn chế của các kỳ bầu cử trước để hướng dẫn phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 1186 quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc của Việt Nam và Chính phủ đã có Nghị quyết 09 hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chính việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sớm giúp tất cả các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử, đó là Ủy ban Bầu cử các cấp sớm thành lập và triển khai các bước cầu cử theo đúng quy định.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Một điểm nữa là nhờ việc triển khai tập huấn về công tác bầu cử rất sớm, Trung ương tổ chức tập huấn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tổ chức tập huấn, hơn nữa nhờ hệ thống trực tuyến và hệ thống thông tin tuyên truyền của báo chí nên đến thời điểm việc chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, thì công tác chuẩn bị được tiến hành theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Về danh sách sơ bộ người ứng cử, tất cả các cấp, kể cả cấp Trung ương, số dư ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều đạt theo các quy định. Ví dụ, như số dư đại biểu của Quốc hội, sau khi kết thúc Hội nghị Hiệp thương lần hai là khoảng 1.136 hồ sơ đạt tỷ lệ 2,72%. Sau Hội nghị Hiệp thương lần hai thì vẫn còn 1.085, như vậy có số dư vẫn còn 2,17 %. Có nơi thì hiện nay số dư ứng cử cũng rất cao, 2 lần 3 lần, như vậy các để lựa chọn các ứng viên, trong đó có cả số người tự ứng cử, thì tôi cho rằng việc thực hiện này được triển khai đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện giám sát ở các địa phương, các đoàn giám sát cũng kịp thời rút ra một số công việc mà các địa phương thực hiện chưa kịp thời, chưa kịp thời. Đặc biệt, về các tổ chức phụ trách bầu cử, khi thành lập ra cần hoạt động đúng quy định quy định trong Luật. Trong quá trình triển khai các bước bầu cử, cần lắng nghe, giải đáp kịp thời về những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị bầu cử. Hiện một số nơi vẫn chưa giải đáp tổ chức giải đáp kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai công tác bầu cử. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy cần phải hướng dẫn, chấn chỉnh. Một khó khăn nữa là cùng một lúc tập huấn tất cả các nội dung liên quan bầu cử rất khó, cần tập huấn theo từng bước trong quá trình bầu cử. Ví dụ, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, cần hướng dẫn các đơn vị tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú . Như vậy, cán bộ từ Trung ương đến cơ sở phải  nắm chắc nội dung này để triển khai hiệu quả hơn. Một ví dụ khác là việc tập huấn cho tổ bầu cử tổ bầu cử phải theo nguyên tắc không có các ứng cử viên trong tổ bầu cử. Bởi vì trong luật hiện hành quy định người ứng cử không được tham gia vào các tổ chức bầu cử, có như vậy, cuộc bầu cử mới diễn ra công bằng, dân chủ. Do vậy, các địa phương cần chú ý thực hiện theo đúng quy định tạo lòng tin của nhân dân. Đặc biệt, vai trò của tổ bầu cử trong ngày bầu cử rất quan trọng, có như vậy ngày bầu cử mới trở thành ngày hội toàn dân.

Phóng viên: Ông có lưu ý gì đối với Mặt trận các cấp trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Chúng tôi thấy trách nhiệm hoạt động bầu cử là của tổ chức bầu cử các cấp, trong đó có Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử 4 cấp tỉnh, huyện, xã. Mặt trận tổ quốc các cấp có trách nhiệm rất lớn trong việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương. Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị của tất cả các tổ chức, trong đó tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Bên cạnh chịu trách nhiệm chính thì để chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 Mặt trận  phải phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan khác, đặc biệt với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ở các cấp dưới là Mặt trận các cấp với Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp trong việc mà hiểu kỹ các ứng viên; tiếp nhận, lắng nghe các ý kiến phản ánh của người dân đối với các ứng cử viên. Do vậy, những nội dung liên quan đến các ứng viên thì Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phải có thông tin thông tin thật đầy đủ để cho mọi người lựa chọn người ứng cử đạt tiêu chuẩn.

Phóng viên: Có thực tế, nhiều cử tri là lao động làm việc ở các địa phương khác, không cư trú tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Vậy, cần có giải pháp gì để các đối tượng này tham gia bầu cử đầy đủ?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Việc lập và niêm yết danh sách cử tri là nhiệm vụ rất quan trọng và trách nhiệm này thuộc về Ủy ban bầu cử, đặc biệt là Ủy ban bầu cử cấp xã. Hiện, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng rất quan tâm đến nội dung này. Qua giám sát và kiểm tra thì thấy đối với với các đối tượng đi làm ăn xa, những người được bầu cử theo quy định của luật và các phương án, kể cả phương án phòng chống dịch đều được đặt ra và có hướng dẫn cho các địa phương. Như vậy là trách nhiệm của Ủy ban bầu cử các cấp, đặc biệt đối với cấp xã, đơn vị bầu cử cần phải sớm lập danh sách cử tri. Hiện nay, việc lập danh sách cử tri theo nơi thường trú hoặc cư trú, nhưng nếu người lao động đi làm ăn xa không về nơi thường trú bầu cử được thì phải có thông tin thông tin và phải đăng ký ở nơi đang làm việc. Ví dụ, một khu công nghiệp có 8.000 công nhân, khi đó ủy ban bầu cử phải tiến hành đối chiếu với địa phương nơi công nhân cư trú, từ đó làm cơ sở lập danh sách cử tri, vừa tránh sự chồng chéo, nhưng vấn đảm bảo quyền bầu cử của công dân.

Phóng viên: Để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, công tác vận động, tuyên truyền cần được tiến hành như thế nào để tất cả cử tri thực hiện quyền bầu cử, thưa ông?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Điều này vai trò của Ủy ban Bầu cử các cấp, nhất là cấp cơ sở sẽ phải đến từng nơi lập danh sách. Khi có danh sách cử tri cần niêm yết công khai để có sự soát xét, tránh trùng lặp, thiếu danh sách. Trường hợp sau khi niêm yết danh sách, cử tri muốn về nơi thường trú bỏ phiếu thì cần có phiếu chuyển bỏ phiếu ở nơi khác. Tôi cho rằng việc đăng ký danh sách và niêm yết danh sách cử tri công khai là rất quan trọng, khi đó mới biết còn sót ai và những ai đang đi làm ăn xa. Ủy ban Bầu cử các cấp rất cần quan tâm vấn đề này. Về phía Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng sẽ tham gia vào việc soát xét nội dung này. Mặt trận cũng có chương trình giám sát liên quan đến các tổ chức phụ trách bầu cử, trong đó giám sát việc niêm yết công khai danh sách ứng cử, công khai danh sách cử tri, các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện quyền của công dân thì đều được giải quyết kịp thời.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương