VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO LÊ MINH TRÍ GIẢI TRÌNH LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM

26/10/2020

Chiều 26/10, trong phiên thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trước đó, thảo luận về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với những kết quả được nêu trong báo cáo; đồng thời ghi nhận công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng hơn so với năm 2019. Số lượng tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã kiểm soát tăng hơn. Công tác xét, phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản chặt chẽ, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án hình sự vẫn chưa khắc phục được tình trạng quá hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; vẫn còn một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh; chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu. Công tác kiểm sát việc xét xử các vụ án hành chính còn nhiều hạn chế, một số chỉ tiêu giảm so với năm 2019.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến phát biểu, những vấn đề các đại biểu nêu liên quan đến ngành, đặc biệt là những vấn đề còn những mặt hạn chế, tồn tại để tiếp tục nghiên cứu, xác định những nguyên nhân cơ bản để có hướng chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.

Báo cáo làm rõ vấn đề liên quan đến vụ án Công ty Thuận Phong ở Đồng Nai, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, Đoàn liên ngành 389 của tỉnh Đồng Nai, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty Thuận Phong thì có phát hiện hành vi sang chiết phân bón dạng nước vào các chai thành phẩm có nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ. Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án. Trên cơ sở phản ánh của đại biểu thì Viện kiểm sát tối cao có nghiên cứu và thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo cho Viện kiểm sát tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án của công an Đồng Nai và sau đó thực hiện quy trình thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Về vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là có hay không có hành vi phạm tội, tức là buôn bán, sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm rõ, công ty có dấu hiệu sản xuất, nhập khẩu, buôn bán phân bón giả hay không thì cần phải có kết quả giám định và kết luận của các cơ quan chuyên môn là bắt buộc đối với vụ án này. Hành vi thì có nhưng vì liên quan đến chuyên môn nên phải được các cơ quan chức năng giám định. Theo đó, yêu cầu Bộ Công Thương giám định và kết luận có phải là phân bón giả hay không? Hay là Bộ Khoa học và Công nghệ giám định nhãn hàng hóa của các loại phân bón có giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa và giả mạo tên thương hiệu hay không? Và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ ban hành kết quả kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu, có kết luận là lô hàng đạt chuẩn chất lượng nhập khẩu; yêu cầu Bộ Nông nghiệp trả lời là Trung tâm này có chức năng nhiệm vụ này hay không?

Đên nay, Bộ Công Thương có kết luận giám định. Bộ Nông nghiệp cũng có kết luận giám định. Nhưng riêng Bộ Khoa học và Công nghệ có kết luận giám định nhưng mà không đạt theo yêu cầu. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát Đồng Nai ban hành văn bản yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp những tài liệu còn thiếu theo nhận định tại kết luận giám định của Bộ Khoa học và Công nghệ và ra quyết định trưng cầu Tổ giám định tư pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung về nhãn mác hàng hóa. Ngày 03/4/2020 cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 505 trưng cầu giám định theo vụ việc về nhãn hàng hóa.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho hay, khi có kết luận giám định bổ sung này, Viện kiểm sát sẽ xem xét là có cơ sở hay không để chỉ đạo xử lý việc này tiếp. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh kết luận giám định sắp tới sẽ quyết định xem đánh giá có tội hay không có tội và khởi tố điều tra tiếp hay không.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là cuộc đấu tranh mà không phải chỉ có chủ quan của phía cơ quan chức năng muốn thắng là thắng, mà còn phụ thuộc khả năng đối phó và từng vụ án cụ thể. Hơn nữa các cơ quan chức năng còn phải kiểm soát bởi 2 yêu cầu: một là, không được làm oan; hai là, không để lọt tội phạm.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định là các con số chỉ tiêu nghiệp vụ năm sau đều tốt hơn năm trước. Con số nào cần giảm thì tiếp tục giảm, con số cần tăng, tiếp tục tăng. Nhưng con số tuyệt đối thì chưa làm được. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bày tỏ tin tưởng rằng với yêu cầu của cuộc đấu tranh này, giữa tội phạm với năng lực của các cơ quan sẽ có những vụ thành công, và số vụ việc chưa thành công sẽ được kiểm soát và kéo giảm để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Quốc hội.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm 

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng phân tích, các con số thống kê có những lúc nói lên tất cả, nhưng có những con số không nói lên gì mà phải suy ngẫm con tính 2 mặt của nó. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dẫn chứng  đối với tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ hay tội phạm tham nhũng, xâm hại trẻ em. Trong đó, ma túy làm không tốt thì nó là tội phạm ẩn và nếu quyết tâm làm thì số vụ việc, vụ án sẽ tăng. Các vụ án ma túy vừa quà có 2 loại. Một loại là ma túy từ nước ngoài nhập về. Việt Nam là địa bàn trung chuyển để đi nước khác thì có nhiều tấn, nhiều tạ. Hai là  trong nước ổn định thì tỷ lệ nghiện vẫn kiểm soát được. Ngoài ra, cũng cần suy nghĩ về việc xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng nghiệm. Bởi các địa phương quản lý rất khó khăn, hiệu lực kém sẽ phát sinh nhiều vấn đề nhưng Bộ Y tế coi đó là người bệnh chứ không phải là người có nguy cơ trở thành tội phạm nguy hiểm. Chính vì, cách xử sự về mặt hành chính không hiệu quả, dẫn đến kiểm soát người nghiện khi lên cơn rồi thì thực hiện hành vi phạm tội rất nguy hiểm và rất nhanh. Do đó đặt ra vấn đề có thêm chế tài nghiêm khắc hơn đối với người nghiện.

Đối với tội phạm tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí chia sẻ, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng thực hiện tốt tạo được lòng tin của nhân dân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Đây là quyết tâm chính trị và do đây là tội phạm ẩn nên khi làm nhiều thì sẽ xuất hiện nhiều vụ án, nếu không làm hoặc làm không tới thì số liệu sẽ ít đi. Do đó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị nhìn nhận lại số liệu, đánh giá công tác chống tham nhũng làm cho tham nhũng giảm đi và có tính răn đe tốt hơn.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng lưu ý, trong bối cảnh dịch COVID vừa rồi tác động đến toàn đời sống xã hội, trên tất cả các lĩnh vực thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, Hiến pháp 2013 đặt ra vấn đề bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân và nghĩa vụ của công dân rất cao, tạo ra áp lực cho các cơ quan tư pháp. Trong bối cảnh này chỉ cần con số bằng giấy cũng là một nỗ lực phấn đấu, mặc dù không thể giảm hết được như mong muốn, nhưng mỗi năm đều có tiến bộ hơn đó là một nỗ lực phấn đấu của các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cả Tòa án./.

Bảo Yến