NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA ĐOÀN THANH NIÊN TRONG BẢO VỆ TRẺ EM

10/02/2020

Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức vừa qua, các đại biểu đã khẳng định vai trò của Đoàn Đoàn Thanh niên trong công tác bảo vệ trẻ em và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của tổ chức này trong phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đoàn Thanh niên đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Trung ương Đoàn đã và đang tập trung thực hiện các điều kiện đảm bảo cho trẻ em quyền vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao….

Thực hiện Luật Trẻ em 2016, nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em, trong thời gian vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai các hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó quan tâm triển khai các hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và mạng xã hội.

Nhiều hoạt động hữu ích cho trẻ em được triển khai

Theo Báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về công tác trẻ em, thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho trẻ em kiến thức về sử dụng Internet, mạng xã hội hiệu quả, trong đó, đã tập trung vào một số điểm mạnh trong việc sử dụng mạng xã hội (trong học tập, giải trí…) và những nguy cơ trẻ em có thể gặp phải; các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn với nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em, tự bảo vệ bản thân đã được lồng ghép trong các hoạt động, trại hè kỹ năng cho thiếu nhi, như chương trình “Học kỳ quân đội”, chương trình “Học làm chiến sĩ công an”, trại hè “Trải nghiệm để trưởng thành” và nhiều lớp học trang bị kỹ năng do các cấp bộ  đoàn, các đơn vị sự nghiệp của Đoàn, Đội các cấp tổ chức… Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn đã lồng ghép tuyên truyền Luật Trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi đội, liên đội, trong các hội nghị, diễn đàn, hội thảo, các hội thi tìm hiểu…; tổ chức tập huấn và cập nhật thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội về nội dung của Luật và những kỹ năng cần thiết trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Toàn cảnh hội thảo

Trong nhiều năm gần đây, tổ chức Đoàn đã tiên phong triển khai các hoạt động, tổ chức các sân chơi lành mạnh, kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng và vui chơi, giải trí cho trẻ em trên mạng Internet như: cuộc thi tìm hiểu Luật trẻ em trực tuyến, chương trình rèn luyện đội viên trực tuyến, cuộc thi Đọc sách vì tương lai, Sân chơi tài năng Anh ngữ Việt Nam, cuộc thi Chinh phục vũ môn, cuộc thi “Trạng nguyên tiếng Việt”... Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn, các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục, fanpage trên mạng xã hội để giáo dục trẻ em; đăng tải nhiều tin, bài phản ánh về kết quả thực hiện Luật và các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, phát huy quyền tham gia của trẻ em trên hệ thống website, các trang mạng xã hội do tổ chức Đoàn, Đội quản lý; xuất bản, biên tập, tái bản các đầu sách tuyên truyền về Luật Trẻ em, các văn bản pháp quy về trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã tăng cường các kênh khác nhau để tạo môi trường phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em. Đến nay, toàn quốc đã xây dựng được 11 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 05 mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện tại 02 tỉnh.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cũng tích cực tham mưu tổ chức để các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi.

Các hoạt động lấy ý kiến trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều kênh khác nhau, như diễn đàn, hội nghị, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục trên mạng xã hội; qua quá trình đi cơ sở, kiểm tra, giám sát; qua hoạt động của 35.118 câu lạc bộ Quyền trẻ em trong các Liên đội, trên địa bàn dân cư và trong hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi và các Đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non tại gần 26.000 liên đội tiểu học, trung học cơ sở trên cả nước; qua triển khai chương trình “U-report - Diễn đàn tiếng nói trẻ em Việt Nam”, lấy ý kiến trẻ em qua mạng xã hội. Qua đó, đã có nhiều ý kiến của trẻ em được tổng hợp, gửi đến các cơ quan chức năng giải quyết, trong đó có nhiều ý kiến liên quan đến an toàn trên không gian mạng trong thời gian qua, cụ thể như: có giải pháp tuyên truyền sử dụng mạng đúng cách; phòng chống “nghiện” mạng xã hội; bị đánh cắp thông tin cá nhân sử dụng vào mục đích xấu; loại bỏ các thông tin xấu, độc, không phù hợp với trẻ em...

Cùng với đó, công tác nghiên cứu về các vấn đề về trẻ em tiếp tục được chú trọng, trong đó, nhiều đề tài đã đóng góp những khuyến nghị, giải pháp quan trọng để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Trong 03 năm từ 2017 - 2019, Trung ương Đoàn có 14 đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp cơ sở và các nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá được nghiệm thu, mang lại những giá trị thực tiễn thiết thực, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác trẻ em, trong đó có 01 nghiên cứu về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đặc biệt, tổ chức Đoàn đã kịp thời nắm bắt tình hình trẻ em, tích cực tham gia hỗ trợ, bảo vệ trẻ em khi bị xâm hại và lên án các hành vi xâm hại trẻ em. trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các tỉnh, thành đoàn phát hiện và báo cáo về Trung ương Đoàn 223 vụ việc tai nạn, thương tích (trong đó, có 179 vụ đuối nước) và 112 vụ xâm hại trẻ em (trong đó, có 77 vụ việc xâm hại trẻ em). Trong các vụ việc được báo cáo, tổ chức Đoàn đều có hoạt động cụ thể để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em và gia đình các em. Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã trực tiếp thăm hỏi động viên, lên tiếng bảo vệ trẻ em và có văn bản chính thức gửi một số cơ quan chức năng về một số vụ việc về trẻ em được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Có văn bản gửi Bộ Ngoại giao có ý kiến chính thức về vụ việc em Lê Thị Nhật Linh vị xâm hại tình dục và bị sát hại tại Nhật Bản; ban hành một số văn bản về việc tham gia xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại Lào Cai, Bắc Giang…; chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”, tăng cường công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; trực tiếp đến thăm hỏi, động viên trẻ em, gia đình trẻ em là nạn nhân của các vụ việc xâm hại, tai nạn, thương tích, như ở Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi… Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố tổ chức đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân sau khi vụ việc xảy ra.

Còn một số hạn chế

Bên cạnh những hoạt động tích cực trong công tác trẻ em của tổ chức Đoàn, các đại biểu cũng đã chỉ ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng, khai thác mạng hiệu quả, an toàn, bổ ích và phòng tránh các nguy cơ từ môi trường mạng cho cán bộ đoàn, đội các cấp còn hạn chế.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa được đầu tư đúng mức và chưa đem lại hiệu quả, nhiều thông tin liên quan trẻ em chưa được tiếp cận đầy đủ. việc nắm bắt, phát hiện, phản ánh thông tin và lên tiếng về các vụ việc liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng còn chậm, chưa thực sự hiệu quả.

Các đại biểu cho biết, việc định hướng công tác tuyên truyền và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, nhất là trên báo chí và mạng xã hội trong thời gian vừa qua vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Nhằm tiếp tục nâng hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho trẻ em kiến thức về sử dụng Internet, mạng xã hội hiệu quả và lồng ghép trong các hoạt động, trại hè kỹ năng cho thiếu nhi.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn và cập nhật thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội về nội dung của Luật và những kỹ năng cần thiết trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tăng cường triển khai các hoạt động hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội cho thiếu nhi tham gia nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập trên mạng.

Đồng thời, tiếp tục tạo các diễn đàn phát huy tiếng nói của trẻ em về mạng xã hội, đồng thời, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các em về an toàn trên không gian mạng. Phối hợp triển khai chương trình “U-report - Diễn đàn tiếng nói trẻ em Việt Nam”; đẩy mạnh công tác nghiên cứu về các vấn đề về trẻ em nhằm góp phần tìm ra những giải pháp quan trọng để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là qua môi trường mạng.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị Bộ Công an (Cục An ninh mạng), Bộ Thông tin và Truyền Thông (Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin ở mức độ phù hợp cho tổ chức Đoàn khi có sự việc xâm hại trẻ em xảy ra để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có điều kiện tham gia tốt hơn trong các hoạt động bảo vệ trẻ em, cùng với các ngành, các cấp có liên quan hỗ trợ trẻ em bị tai nạn, thương tích, nạn nhân của xâm hại. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần có giải pháp cụ thể ngăn chặn các hình ảnh, video clip quảng cáo có nội dung không lành mạnh trên các trang mạng xã hội./.

Thu Phương