HÌNH ẢNH KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 42 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

10/02/2020

Sáng ngày 10/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 42.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Phiên họp thứ 42 là phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Ngay từ đầu năm, cả nước đã phải đối mặt với tình hình khó khăn là dịch bệnh viêm phổi cấp do virut nCoV gây ra với mức độ diễn biến hết sức phức tạp. Chính phủ đã có những biện pháp phòng, chống dịch chủ động, chặt chẽ, tích cực... Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch này; Kiên quyết vừa chống dịch, không để dịch chồng dịch và vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2020, cùng với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng giữ vai trò là Chủ tịch AIPA – cơ chế liên nghị viện các nước Đông Nam Á của 10 nước ASEAN và 12 nước đối tác. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đầy đủ, nổi bật vai trò là nước chủ nhà của AIPA 2020.

Ngay sau phát biểu khai mạc, trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 42

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngay từ đầu năm, cả nước đã phải đối mặt với tình hình khó khăn là dịch bệnh viêm phổi cấp do virut nCoV gây ra với mức độ diễn biến hết sức phức tạp. Đồng thời khẳng định, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch này.

Ngay sau phát biểu khai mạc, trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án Luật quan trọng, được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Do vậy, việc sửa Luật cần đảm bảo vừa quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt nhưng vẫn phải đảm bảo tốt quyền con người, quyền công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản… cũng như bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng... ở mức cao hơn để tăng sức răn đe.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” không nên là biện pháp cưỡng chế, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thực tiễn có quốc gia nào trên thế giới quy định như vậy chưa? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, các biện pháp cưỡng chế và biện pháp ngăn chặn có ý nghĩa khác nhau, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị cân nhắc biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này; việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể khi sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” có thể sẽ là một biện pháp cưỡng chế hiệu quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nêu rõ, nếu áp dụng ở một số hành vi vi phạm khác thì lại chưa phù hợp. Trong trường hợp chủ hộ vi phạm, việc cắt điện nước sẽ ảnh hưởng đến cả hộ, không đảm bảo tính khách quan. Do vậy, Ban soạn thảo cần quy định rõ các trường áp dụng cho hợp lý.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu, bổ sung các biện pháp áp dụng công nghệ thông tin vào việc xử phạt vi phạm hành chính

Qua theo dõi và giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian vừa qua, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, vấn đề liên quan đến xử phạt hành chính trong khai thác cát, đá, sỏi và an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng được cử tri quan tâm. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn để đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do vậy, mức phạt ở lĩnh vực này cũng cần phải quy định ở mức thật cao.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an giải trình một số vấn đề tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo  cần tiếp tục rà soát lại các nhóm lĩnh vực nâng mức phạt tiền tối đa theo tinh thần không nhất thiết mức phạt của vi phạm hành chính lúc nào cũng phải thấp hơn hình sự. Đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban thẩm tra, các bộ ngành liên quan, cơ quan hữu quan hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tới.

Trọng Quỳnh