CHÍNH PHỦ TRÌNH DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

10/02/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, sáng ngày 10/02, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Cần thiết sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính

Trình bày Tờ trình, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, một số Bộ luật, Luật mới được ban hành như: Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017); Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Luật cạnh tranh năm 2018… và tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số các quy định tại Luật XLVPHC để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định còn hạn chế, vướng mắc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khắc phục những bất cập trong thi hành Luật XLVPHC là cần thiết.

Bên cạnh đó, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014, sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là hết sức cần thiết.

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật gồm 04 Điều, cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật XLVPHC; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật XLVPHC và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật XLVPHC.

Bổ sung nhiều quy định mới

Về xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh: Sửa đổi tên gọi một số chức danh; bổ sung một số chức danh mới; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh (đặc biệt là các chức danh thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành); sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh theo hướng không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền. Sửa đổi, bổ sung Điều 53 để quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Sửa đổi, bổ sung Điều 54 theo hướng cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục giải trình nhằm bảo đảm tính khả thi trên thực tế. Sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng hình sự; đồng thời, bổ sung trường hợp cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra theo chức năng trong quá trình kiểm toán, thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt thì phải chuyển hồ sơ và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do các cơ quan nêu trên chuyển đến.

Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể một số nội dung liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc xác định vi phạm hành chính. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bổ sung quy định về việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức.

Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, dự thảo Luật sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng: Trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các đối tượng (tùy từng trường hợp cụ thể) sẽ được đưa vào trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý.

Liên quan đến các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Đối với việc quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ quản lý thống nhất biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính, mẫu báo cáo, thống kê dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ và kinh phí triển khai các công việc liên quan của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trên cơ sở những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Chính phủ kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh