ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

14/11/2019

Tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu, riêng tại các thành phố và đô thị lớn, bởi có đặc điểm phổ biến là nhiều khu dân cư nằm trong các ngõ ngách, gây khó khăn cho các phương tiện chuyên dụng tiếp cận. Do vậy, cần phải đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho người dân về phòng cháy, chữa cháy, kết hợp với nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, nhất là ở khu dân cư và ở cấp độ gia đình.

Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đề xuất, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục rà soát và thực hiện quyết liệt chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư tập trung. Đại biểu nhấn mạnh, vụ việc cháy nhà máy của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông vừa qua là một bài học lớn đối với chúng ta.

Đồng thời, cần tăng cường nguồn lực cho lực lượng chuyên trách về phòng cháy, chữa cháy; từng bước trang bị bổ sung, trang bị lại và hiện đại hóa trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm tiếp cận công nghệ mới. Đại biểu Đôn Tuấn Phong cho biết, thực tế ở một số quốc gia, việc sử dụng thiết bị như máy bay và robot chữa cháy đã khá phổ biến.

Đại biểu Thái Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy. Ví dụ, tuyên truyền bằng video clip mà Báo cáo giám sát của Quốc hội phát trên đài cũng giống như chương trình quảng cáo một cách thường xuyên thì có thể sẽ tăng cường khả năng, sẽ lan rộng nhiều hơn. Đồng thời, kiểm tra, chấn chỉnh ngay các công trình chưa được thẩm duyệt, cấp phép mà trong báo cáo giám sát có đánh giá. Đại biểu đề nghị, chúng ta phải hậu kiểm lại, quay lại kiểm tra hết để tuyệt đối chấp hành nghiêm. Các công trình nào không đạt thì sẽ mạnh tay không cho họ hoạt động, thậm chí phạt nặng để chấn chỉnh ngay tình trạng này.

Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, cũng cần phải kiểm tra, chấn chỉnh lực lượng trực tiếp làm công tác cấp phép, thẩm định, thẩm duyệt để thể hiện tính công khai, minh bạch trong cấp phép; hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; hoàn thiện, cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa .

Đặc biệt, các đại biểu nghị cần phải tăng cường kinh phí để trang bị các phương tiện để phòng cháy, chữa cháy; và chú trọng công tác quy hoạch xây dựng, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, cháy, chữa cháy; xem xét và quy hoạch lại lưới điện, viễn thông ở các khu tập trung đông dân cư và sớm khắc phục tình trạng hàng loạt các loại dây điện viễn thông, thiết bị chằng chịt tạo nguy cơ cháy nổ và gây tai nạn ngay ở các khu dân cư./.

Thu Phương