BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ GIẢI TRÌNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HĐND TẠI CÁC PHƯỜNG THUỘC QUẬN, THỊ XÃ CỦA TP. HÀ NỘI

14/11/2019

Chiều ngày 14/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Tp. Hà Nội.

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua ý kiến phát biểu của các vị đại biểu trong các thảo luận tổ, bước đầu Ban soạn thảo Bộ Nội vụ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của tất cả các vị đại biểu để cùng các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội hoàn thiện lại dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội thông qua.

Qua ý kiến thảo luận tại phiên họp, cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị để chúng ta thông qua Nghị quyết lần này là nội dung được quan tâm nhiều nhất. Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, chúng ta có Kết luận số 46 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã nêu rất rõ về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở cấp quận và thị xã của thành phố Hà Nội. Mặt khác, tại Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rất rõ nội dung này cũng như điểm b khoản 2 của Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm pháp luật đã quy định đó là Quốc hội được ban hành những nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có trong luật điều chỉnh hoặc khác với các luật hiện hành.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị đã được cân nhắc rất kỹ và qua nhiều hội thảo, đây là yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức lại mô hình của chính quyền đô thị.

Về các ý kiến liên quan đến tên gọi của Nghị quyết, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, tiếp thu lại; đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo lại với Bộ Chính trị, bởi trong Kết luận 46 Bộ Chính trị nêu rất rõ là không tổ chức Hội đồng nhân dân, nên nếu xét ở Kết luận 46 thì cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị lại về vấn đề này.

Liên quan đến chế độ làm việc, trong Kết luận 46 Bộ Chính trị cũng cơ bản đồng ý theo đề án, tức là làm việc theo nguyên tắc tập thể của Ủy ban nhân dân, trong đó cơ cấu của Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch Ủy ban, Phó Chủ tịch Uỷ ban và các thành viên Ủy ban. Theo ý kiến thẩm định của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của một số đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo lại Bộ Chính trị xem xét về chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân phường là các chế độ thủ trưởng, trong kết luận trước đây cơ bản đồng ý theo chế độ tập thể.

Nếu được Quốc hội thông qua lần này và có hiệu lực từ ngày 01/6/2020 thì Chính phủ còn ban hành rất nhiều các văn bản về thể chế thì thành phố Hà Nội mới tổ chức thí điểm được mô hình này, do đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lấy thời điểm là 01/6/2020 để Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng các văn bản phù hợp. Như vậy, đến năm 2021 thì chúng ta mới tổ chức được chính quyền địa phương của những đơn vị cấp phường của thành phố.

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cám ơn các  ý kiến của các đại biểu Quốc hội và khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới./.

Thu Phương- Nghĩa Đức