CẦN NHÌN THẲNG VÀO THỰC TRẠNG ĐỂ THẤY RÕ NHỮNG LỖ HỔNG PHẢI XỬ LÝ

14/11/2019

Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chỉ rõ các tồn tại hạn chế trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng, chống cháy, nổ hiện nay để nhận ra những lỗ hổng cần phải xử lý, cần phải truy trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, đó là những lỗ hổng trong hệ thống văn bản hướng dẫn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Đại biểu phân tích, qua tham gia một số đoàn giám sát cho thấy có sự chồng chéo, bất cập và thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật, không chỉ là những pháp luật trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy, về phòng, chống cháy, nổ mà các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là những nguyên nhân khiến cho các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.

Cùng với đó, lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện cũng khá rõ. Cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân lại bảo là không biết. Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy, nổ thì được xử lý rất ít và thực tế cho thấy khi sự cố cháy nổ xảy ra lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, nhìn thẳng vào các tồn tại, lỗ hổng từ công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn triển khai thực hiện đến giám sát và ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.

Liên quan đến những tồn tại, bất cập trong hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phùng Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chỉ rõ, hiện nay còn chậm ban hành sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy phù hợp với một số loại hình cơ sở kinh doanh mới như cấp tòa nhà chung cư cao tầng, trung tâm giải trí, trung tâm thương mại cũng như các du thuyền du lịch trên vịnh, trên sông, trên biển.

Đại biểu Phùng Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Ngoài ra, việc vi phạm quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy diễn ra ở nhiều công trình, dự án. trong khi đã có đầy đủ các cơ quan chuyên môn từ trung ương xuống địa phương nhưng công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, thiếu kiên quyết, thiếu cơ chế giám sát, thi hành quyết định xử lý. Số lượng vi phạm các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy phát hiện còn ít, việc xử lý vi phạm đa số chỉ dừng ở kiến nghị, hướng dẫn, chưa đủ sức răn đe.

Đại biểu Ngô Thị Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, hầu hết các địa phương chưa ban hành quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn và có tới 23 địa phương chỉ có duy nhất một đội chữa cháy tại trung tâm hành chính của tỉnh. Nhiều địa phương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy chưa thực hiện quyết liệt và chưa có hiệu quả thực chất.

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, điều này thể hiện sự buông lỏng trong công tác quản lý, đặc biệt là nhiệm vụ của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí cán bộ và trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý công tác phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Đại biểu Ngô Thị Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu trong mỗi mắt xích nhiệm vụ công việc, trong đó có trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp. Đồng thời, cũng đề nghị Chính phủ có lộ trình cụ thể và các giải pháp đủ mạnh, khả thi, kể cả việc phải giáng chức người đứng đầu hoặc thay thế cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ mà thiếu trách nhiệm, hiệu quả công việc kém có như vậy mới nhanh chóng khắc phục được những hạn chế mà Báo cáo giám sát đã nêu ra.

Bảo Yến