COI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY LÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

14/11/2019

Tại Phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 vào chiều 13/11, nhiều đại biểu đề nghị cần phải coi công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là giải pháp trọng tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - Ninh Thuận cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ luôn được xem là một trong những công tác quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản nhà nước và của nhân dân. Góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Công tác phòng cháy, chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính. Vì vậy, để phòng ngừa cháy tốt thì kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ khi nó mới xuất hiện thì điều kiện tiên quyết là công tác phòng cháy, chữa cháy phải được thực hiện từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi địa phương, đơn vị và phải được coi đây là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc và phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy.

Từ công tác giám sát tại địa phương và nghiên cứu Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy có được quan tâm triển khai thực hiện. Ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cũng như kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, đa số người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy. Một bộ phận người dân sống ở đô thị có hiểu biết về pháp luật phòng cháy, chữa cháy nhưng lại không tự giác chấp hành, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy thiếu về số lượng, kém cả về chất lượng, kinh phí đầu tư cho công tác này còn khá hạn hẹp.

Điều đáng lưu tâm là những hạn chế, bất cập đó đã được diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị và đã được phát hiện trong thời gian dài nhưng chậm được khắc phục mà nguyên nhân chính là do người đứng đầu các tổ chức địa phương, đơn vị chưa chủ động khắc phục và thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy, chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hoặc cũng chưa tự giác khắc phục những kiến nghị của các cơ quan chức năng sau khi kiểm tra, thanh tra. Việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe, nhiều địa phương, đơn vị chưa quan tâm đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng cháy, chữa cháy. Nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình nêu trong nghị quyết và thống nhất cao với 15 nhiệm vụ, giải pháp mà dự thảo nghị quyết đã đề ra.

Từ phân tích trên, theo đại biểu, phải coi công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là giải pháp trọng tâm, nâng cao chất lượng của giải pháp này bằng nhiều cách làm mới, sinh động, với nhiều hình thức như mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, phát thanh, truyền hình, phát hành tờ rơi; sử dụng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở và của cả hệ thống cán bộ hội, của các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở. Vận động mọi người, mọi nhà thấy rõ trách nhiệm tự giác chấp hành và tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy. Tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ với lực lượng nòng cốt là dân phòng lực, lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đây là việc làm cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ ngay từ cơ sở, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần hạn chế thấp nhất việc thiệt hại do cháy nổ xảy ra.

Đại biểu Ngô Sách Thực phát biểu

Cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, đại biểu Ngô Sách Thực- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng trong phấn đánh giá về hạn chế, báo cáo giám sát có nêu, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao, chưa tạo được ý thức phòng ngừa cháy nổ trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy còn nhiều, cứu nạn, cứu hộ chưa sâu rộng. Tình trạng vi phạm pháp luật về phòng cháy xảy ra nhiều, v.v. tức là phần đánh giá hạn chế và phần trong dự thảo Nghị quyết phải nghiên cứu kỹ để đánh giá cho phù hợp, có những tương đồng. Đại biểu mong muốn các giải pháp đưa ra về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thì ngoài việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các công cụ để thoát hiểm, tránh nạn. Đặc biệt đưa ra các giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc tự kiểm tra. Đại biểu đánh giá giải pháp này rất quan trọng, trong tự kiểm tra, báo cáo cơ quan phòng cháy, chữa cháy và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn của mình. Nếu làm tốt việc này thì nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật và khắc phục trông chờ, đồng thời thực hiện hậu kiểm và không để kiểm tra tràn lan.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai chỉ rõ, công tác tuyên truyền phải thật sự biến nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy trở thành trách nhiệm của toàn dân, nâng nó lên thành phong trào của toàn dân, đi vào lòng dân, hạn chế những cuộc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ tập trung vào chiến dịch như tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy, tháng hành động vì an toàn phòng, chống cháy, nổ, v.v. và lại bị bỏ ngỏ ngay sau đó. Đại biểu cũng đề nghị, Đài truyền hình ở các địa phương cần phối hợp với công an phòng cháy, chữa cháy thực hiện thường xuyên các chương trình này nhằm nâng cao được nhận thức về công tác phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân và doanh nghiệp./.

Hồ Hương