SẼ LẤY Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ NHỮNG NỘI DUNG CÒN NHIỀU Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

23/10/2019

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 23/10 đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu và thời giờ làm việc bình thường.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Về thời giờ lao động, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, cho rằng đã tăng tuổi nghỉ hưu là kéo dài thời gian lao động của người lao động, mặt khác lại tăng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm từ 300 giờ đến 400 giờ, như vậy đã hai lần kéo dài thời gian làm việc. Đại biểu cho rằng để thể chế đường lối của Đảng, chủ động với vấn đề già hóa dân số và ứng phó với thị trường lao động thì việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên là phù hợp.

Trước ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc giảm thời giờ làm việc bình thường xuống còn 44 giờ/tuần hoặc 40 giờ/tuần, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng có thể áp dụng khoản 4 Điều 105 dự thảo Bộ luật quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng tuần làm việc 40 giờ và khoản 5 Điều 105 quy định giao cho Chính phủ có lộ trình phù hợp để giảm thời gian lao động xuống dưới 48 giờ/tuần.

Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có sự phân hóa theo ngành nghề, lĩnh vực

Về tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, bày tỏ tán thành với phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cần sửa đổi theo hướng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 58 tuổi; trường hợp đặc biệt có thể được nghỉ sớm và tối đa là 10 năm; bên cạnh đó cũng được kéo dài thời gian làm việc không quá 5 năm. Đại biểu cũng lưu ý việc kéo dài thời gian làm việc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của người lao động và cơ quan, đơn vị.

Nhất trí với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, phù hợp với xu thế tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng cao, phát huy được kinh nghiệm trong lao động, công tác, song đại biểu Y Khút Niê – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc áp dụng chung tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng, các ngành nghề và khu vực là không phù hợp. Bởi mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có tính chất đặc thù, nhu cầu sức khỏe làm việc cũng khác nhau. Nếu tuổi nghỉ hưu áp dụng chung là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội thì người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, điều kiện làm việc khó khăn mà nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ tỉ lệ phần trăm lương hưu và sẽ thiệt thòi cho người lao động.

Đại biểu Y Khút Niê – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Y Khút Niê cũng cho biết, qua khảo sát với hơn 3955 lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy có 3.400 phiếu không đồng ý với tuổi hưu tăng thêm và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, đồng thời đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, lao động trong ngành cao su, cà phê. Mặt khác tăng tuổi hưu cần xem xét đến việc bố trí việc làm cho lao động trẻ, sinh viên mới ra trường, bảo đảm hài hòa ổn định thị trường lao động. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng đối với lao động phổ thông, lao động trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên giữ như hiện hành; đối với lao động trí óc, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực cụ thể quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ là 58 tuổi hoặc cao hơn.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Quốc hội nên tiếp cận theo kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi kiến nghị này phản ánh tương đối đầy đủ ý kiến, mong muốn của người lao động. Theo đó, nên lắng nghe tiếng nói thực tế, chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động cao tuổi và người lao động cũng không làm được nếu quá tuổi. Đại biểu đề nghị, công chức và một bộ phận viên chức có thể làm đến 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, còn phần đông lao động trực tiếp, nặng nhọc thì nên nghỉ theo quy định hiện hành.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Cùng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, nhấn mạnh, toàn bộ công chức cần tăng tuổi nghỉ hưu trừ lực lượng vũ trang, một bộ phận lớn viên chức cũng  cần tăng tuổi nghỉ hưu, còn đối với người lao động cần phải nghiên cứu, cân nhắc kĩ là có tăng tuổi nghỉ hưu hay không và nếu tăng thì ở mức độ nào để phù hợp với điều kiện, sức khỏe của người lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng xác định quan điểm doanh nghiệp có lợi nhuận, đất nước có phát triển thì người lao động mới có việc làm tốt và cải thiện cuộc sống, do đó đại biểu đề xuất thực hiện chế độ làm việc 44 giờ/tuần và có thể tăng thời giờ làm thêm.

Lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối với nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sau một ngày thảo luận tại hội trường đã có 48 đại biểu Quốc hội phát biểu và 06 đại biểu Quốc hội tranh luận.

Với tinh trách nhiệm cao, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi nhưng cũng thận trọng, khách quan, thẳng thắn về các nội dung của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội cũng như của những người thụ hưởng và thực hiện luật. Cùng với đó dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng có bình luận nhận xét của Tổ chức Lao động Thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nhiều nội dung còn ý kiên khác nhau của dự thảo Bộ luật như về làm thêm giờ, việc tăng tuổi nghỉ hưu quy định như thế nào, về tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương, đồng thời thẳng thắn góp ý về kĩ thuật xây dựng văn bản. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết, đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức